Bún giấm nuốc - món đặc sản Huế không thể chối từ mỗi khi hè về

Mai Linh Đăng lúc: Thứ ba, 28/03/2023 11:31 (GMT +7)
Bún giấm nuốc là một món ăn đặc biệt mà gần như chỉ tìm thấy ở Huế. Nếu có dịp đến đây, bạn nên tìm và thưởng thức để cảm nhận rõ hơn về đặc sản dân dã này nhé.
Hashtag #Đặc sản Huế #Ẩm thực Huế #Du lịch Huế #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Do chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam nên khi hè đến, thời tiết ở Huế thường khô, oi nóng và nhiệt độ khá cao. Do đó ẩm thực Huế cũng rất chú trọng những món giải nhiệt. Bên cạnh những món chè mát lạnh, người Huế còn có một món thanh mát, giúp giải nhiệt hiệu quả vào mùa hè mang tên bún giấm nuốc.

Cái tên bún giấm nuốc khiến không ít người thấy lạ tai. Vậy bún giấm nuốc là gì?

Nuốc (theo tiếng địa phương còn gọi là nuốt) là một loài thể nhuyễn không chân thường được tìm thấy ở khu vực đầm nước lợ ở Huế. Thoạt nhìn, nuốc khá giống với sứa nhưng chỉ nhỏ bằng nửa trái chanh. Vào hè, con nuốc sẽ nổi thành những mảng dày rồi được người dân bắt về, ngâm nước và mang đi chế biến.

Bún giấm nuốc - món đặc sản Huế không thể chối từ mỗi khi hè về - Ảnh 1

Con nuốc có hai loại là nuốc tai và nuốc chân. Nếu như nuốc tai có thể mang đi làm gỏi hoặc cuốn rau sống thì nuốc chân giòn sần sật được nhiều người mua về làm món bún giấm nuốc. 

Nghe thì có vẻ khá đơn giản, thế nhưng theo nhiều người, để có thể chế biến ra một bát bún giấm nuốc, người ta sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để sơ chế và chế biến các nguyên liệu. Hầu như các chủ quán đều ra chợ mua nuốc từ khoảng 5 giờ sáng, thế nhưng phải đến tầm 1,2 giờ chiều mới có bún giấm nuốc mang đi bán.

Ảnh: anchichuhueoi
Ảnh: anchichuhueoi

Sau khi mua về, người ta sẽ mang ngâm nuốc chân trong nước đá và lá ổi để khử mùi tanh và có độ giòn. Khi nào gần ăn, họ sẽ vớt nuốc ra và để ráo nước. Theo những người có kinh nghiệm, chân nuốc sau khi ngâm để càng ráo thì sẽ càng ngon. 

Ngoài nguyên liệu chính là nuốc chân, người ta sẽ thêm vào bát bún những nguyên liệu khác như bún tươi, tôm bóc vỏ, chả cá, dưa leo thái nhỏ, rau sống, bánh tráng… và chan nước dùng. Nước dùng của món bún này cũng khá đặc biệt. Có những người còn cắt thịt ba chỉ thành những miếng nhỏ vừa ăn và ướp gia vị. Tiếp đó, họ phi thơm hành và tôm thịt vào xào trong lửa liu riu khoảng 10 phút để chúng ngấm gia vị rồi mới cho thêm nước vào đun nước dùng.

Ảnh: ryanfoodaholic
Ảnh: ryanfoodaholic

Tuy mỗi người có một cách nấu và bí quyết khác nhau, thế nhưng do thường dùng nước luộc tôm, dứa, cà chua và đặc biệt là mắm ruốc Huế… nấu nên nước dùng bún giấm nuốc có vị ngọt thanh, hơi chua chứ không bị nhạt.

Khi có khách đến quán, chủ quán sẽ nhanh tay lấy một chiếc bát tô, sau đó cho rau sống vào rồi lần lượt thêm bún tươi, tôm bóc vỏ, thịt ba chỉ, chả, nuốc rồi thêm vào một chút nước sốt và chan thêm nước dùng. 

Ảnh: nhinhioi_
Ảnh: nhinhioi_

Mặc dù nuốc là một thực phẩm không có vị, thế nhưng nhờ kết hợp cùng tôm ngọt thơm, rau sống thanh mát, sốt đậm đà và nước dùng thanh mà bún giấm nuốc lại có hương vị khá đặc biệt. Rau sống ăn kèm món bún này sẽ gồm có vài loại rau thơm và bắp chuối non bào nhuyễn. Bên cạnh đó, người ta cũng cho thêm vào bát bún đậu phộng rang vàng giã dập và bánh tráng mè nướng. Vì nuốc có tính hàn, thế nên không ít người cho thêm tỏi vào ăn cùng để tránh lạnh bụng. 

Ảnh: foodyhue
Ảnh: foodyhue

Nếu muốn thưởng thức món đặc sản này ở Huế, bạn có thể đến địa chỉ 02 Chi Lăng, ngay chân cầu Gia Hội. Quán bán món này chủ yếu vào mùa hè, từ 3 đến khoảng 6 giờ chiều với giá từ 20 đến 30 ngàn một bát.

4 điểm du lịch chill hết nấc, ít du khách biết nhưng được người bản địa khen hết lời ở Huế 4 món đặc sản ngon, bổ, rẻ ở Cồn Hến, cơm Hến chưa phải đặc sắc nhất 8 đặc sản Huế chỉ cần 20 ngàn là được thưởng thức no nê
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp