Trong những ngày mùa đông lạnh giá, ta mơ màng nghĩ về mùa hè nóng bỏng, những chuyến đi thanh xuân bất tận, những ngày nằm dài phơi mình trên bãi biển trong bộ bikini nhỏ xinh. Không cần phải bàn cãi, bikini chính là trang phục gợi cảm không thể thay thế.
Bikini không phải là khái niệm mới mẻ. Những vận động viên Hy Lạp và La Mã cổ đại từng diện bikini để thi đấu thể thao khoảng 1500 năm trước. Tuy nhiên, trang phục này sau đó nhanh chóng biến mất bởi những quy định hà khắc bắt buộc phụ nữ phải che chắn cơ thể khi xuất hiện trước đám đông.
Nhưng đến giữa thế kỷ 20, những mảnh nhỏ diệu kì quay trở lại và lập tức trở thành món đồ không thể thiếu của mọi phụ nữ. Chiếc áo tắm-che-những-thứ-cần-che đó đã giúp phụ nữ phần nào được giải phóng bản thân khỏi những định kiến và giúp họ tự tin hơn vào bản thân mình.
Trước thế kỷ 18, Vatican ra sức ngăn cấm việc phụ nữ xuất hiện nơi công cộng. Qua đến thế kỷ 18, những quy định này dần dần được nới lỏng. Bãi biển trở thành địa điểm yêu thích để hội chị em đàn đúm. Họ có thể mặc bất cứ thứ gì miễn là không để lộ bất kỳ phần nào trên cơ thể ngoài gương mặt, thậm chí là mắt cá chân cũng là phần nhạy cảm. Sự khắt khe này khiến phụ nữ buộc phải khâu thêm tạ vào mắt cá chân để váy không phồng lên mỗi khi xuống nước. Vậy mới có chuyện nhiều bà nhiều cô xém đi xuống thủy cung với người cá khi mặc bộ đồ nặng chịch.
Sang đến thế kỷ 19, váy tắm biển đã hóa thành hai mảnh với quần bloomer ngang mắt cá chân kèm áo dài quá gối. Chất liệu quen thuộc len và cotton vẫn được lựa chọn. Vào thời kỳ này, chị em còn có cách tắm biển không thể chất hơn.
Cụ thể, họ thường rủ nhau dùng chung chiếc xe kéo có tác dụng như phòng thay đồ. Các cô gái sẽ thay váy và ở sẵn trong đó, rồi thuê một người kéo chiếc xe xuống gần hoặc chìm hẳn một phần xuống mặt nước. Tới nơi, người bên trong chỉ cần mở cửa là nhảy cái ùm ra ngoài. Việc này giúp các quý cô tránh được những ánh mắt ham muốn của cánh đàn ông.
Olympic 1912 tại Stockholm - Olympic cuối cùng trước khi đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra đã khai sinh nội dung thi đấu bơi lội nữ. Để tham gia cuộc thi, chắc chắn những VĐV không thể mặc những trang phục quá cồng kềnh hay may tạ vào chân được. Lúc nãy những chiếc monokini một mảnh ra đời.
Tới năm 1923, Coco Chanel với hình ảnh cháy nắng sau khi tắm biển tại Cannes đã trở thành một trào lưu của các cô gái.
Tới năm năm 1938, nilon ra đời với khẩu hiệu "bền như thép, mượt như tơ" là điểm nhấn hoàn hảo để hoàn thiện nên chiếc áo bơi mà chúng ta biết ngày nay.
Thật kỳ cục khi một sự kiện nhuốm màu đau thương như Thế chiến thứ hai lại là một bước ngoặt đối với phụ nữ, khi chiếc áo ngực kiểu mới, bikini, manh nha của thời trang nhanh ra đời.
Trong thế chiến thứ hai (1939 - 1945), chính phủ Mỹ ra sắc lệnh yêu cầu dân chúng phải cắt giảm toàn bộ những nhu cầu không cần thiết, bao gồm cả áo quần. Áo tắm, đương nhiên, không nằm ngoài lệ.
Các kiểu áo tắm sát nách, trễ ngực, khoét bụng và khoét lưng ra đời. Tuy nhiên, khoét như thế nào, ngắn như thế nào, trễ ngực như thế nào thì cũng không được phép hở rốn bởi điều đó là "khuyến khích sự dâm ô".
Khi nói đến sự phóng khoáng thì chẳng ai như người Pháp. Sau thế chiến thứ II, Jacques Heim mở một chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ thể thao. Vào tháng 6/1946, ông tung ra một bộ áo tắm có tên là Atome - nhỏ như nguyên tử nhỏ nhất thế giới được phát hiện lúc bấy giờ. Chiếc áo đã thực sự phá vỡ những giới hạn khi nó phô bày chiếc rốn gợi cảm của chị em.
Cũng trong năm đó, Louis Réard, một kỹ sư điện máy làm chủ một cửa hàng nội y đã giới thiệu một mẫu thiết kế siêu minimalist, siêu nhỏ để phục vụ nhu cầu phơi nắng của nữ giới. Ông gọi nó là Bikini, dựa theo hòn đảo nơi Mỹ thử nghiệm bom nguyên tử. Bộ bikini của Réard đúng là đã trở thành một "siêu bom tấn" nhưng theo chiều hướng xấu.
Ngay khi hình ảnh cô vũ nữ thoát y Michelin Bernadini thả dáng trong bộ đồ tắm siêu nhỏ sẻ cao đứng trên bãi biển, Vatican đã ngay lập tức (như mọi khi) lên tiếng cho rằng, chỉ có những kẻ suy đồi mới mặc như thế. Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thì cấm tiệt bất kỳ cô gái nào mon men xuống biển với bikini.
Tuy bị đa số xã hội phản đối (mà phần lớn là đàn ông), Bikini vẫn có một lượng fan từ tầng lớp quý tộc châu Âu giàu có. Tuy nhiên, nếu không có Brigitte Bardot thì bikini khó lòng mà trở nên phổ biến.
Nếu như không có cô đào nóng bỏng này thì bikini sẽ khó lòng mà phổ biến như ngày hôm nay. Bắt đầu với Manina, Cô Gái Mặc Bikini năm 1952 và sau đó Chúa đã tạo ra đàn bà năm 1956, vẻ gợi cảm pha chút ngây thơ của Brigitte khiến công chúng điên đảo và từ đó trở đi, bộ bikini phổ biến rộng rãi hơn trong lòng người hâm mộ.
Tiếp nối Brigitte, những quả bom sex như Marilyn Monroe, Esther Williams, Sophia Loren, hay các nàng bond girl đều vô cùng thoải mái thả dáng trong những bộ bikini nhỏ xíu. Từng bước từng bước 1, bộ đồ bơi một mảnh đã dần dần lay động và chinh phục cả thế giới, từ phụ nữ tới đàn ông.
Bình luận