10 ca khúc về Hà Nội nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phú Quang

Ber Đăng lúc: Thứ tư, 08/12/2021 11:45 (GMT +7)
Không chỉ là nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình, nhạc sĩ Phú Quang còn là tác giả của những ca khúc được đánh giá là "tuyệt hay" về Hà Nội.
Hashtag #Nhạc sĩ Phú Quang #SHOWBIZ #Nhật ký showbiz

Sáng ngày 8/12, khán giả bất ngờ và tiếc nuối khi nghe tin nghệ sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72. Ông là nhạc sĩ của dòng nhạc trữ tình và có nhiều "duyên nợ" với Hà Nội. Những ca khúc của ông là nỗi niềm, sự day dứt, tình yêu khôn nguôi với mảnh đất Thăng Long.Chính vì tình yêu đặc biệt mà ông dành cho Hà Nội mà những tình khúc bất hủ của ông mang màu sắc riêng, trở thành "đặc sản" của những người yêu nhạc, yêu Hà Nội, yêu mùa thu của Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng với những ca khúc viết về Hà Nội
Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng với những ca khúc viết về Hà Nội

1. Em ơi Hà Nội phố (sáng tác năm 1986)

Nhắc đến Phú Quang là nhắc đến các ca khúc về Hà Nội với tình yêu không thể lý giải bằng lời. "Em ơi Hà Nội phố" là ca khúc như vậy khi ông gửi gắm tình cảm, sự day dứt khôn nguôi về Hà Nội. Ca khúc được Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ Hà Nội - phố của nhà thơ Phan Vũ. Hà Nội hiện ra trong sáng tác này của Phú Quang như bức tranh kể về những miền ký ức xa xôi, đẹp nao lòng với không gian cổ kính với nóc cũ rêu phong, mái ngói xô nghiêng hay cây bàng mùa đông xơ xác. Ca khúc được hát đầu tiên bởi ca sĩ Hồng Nhung. Giai điệu cùng lời hát nhanh chóng ghi dấu ấn trong lòng khán giả đến nỗi, ai đã từng đi trên những con phố Hà Nội đều từng nghe thấy tiếng ca: "Em ơi, Hà Nội phố. Ta còn em mùi hoàng lan.."

Ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc 'Em ơi Hà Nội phố' trên sân khấu chương trình Ký ức vui vẻ
Ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc "Em ơi Hà Nội phố" trên sân khấu chương trình Ký ức vui vẻ

2. Lãng đãng chiều đông Hà Nội 

Lãng đãng chiều đông Hà Nội được Phú Quang phổ nhạc từ thơ của Tạ Quốc Chương. Qua sáng tác này của ông, Hà Nội hiện ra với sương giăng, tháp cổ, hàng cây câm lặng trong tiết heo may thoảng qua. Lệ Quyên là một trong những ca sĩ thể hiện ca khúc này thành công.

3. Đâu phải bởi mùa thu (sáng tác năm 1976)

Đâu phải bởi mùa thu được Phú Quang phát triển từ ý thơ trong bài Yên tĩnh của nhà thơ Giáng Vân. Sáng tác này được Phú Quang viết lên như một lời ru da diết mà đầy day dứt về tình yêu đôi lứa. Nếu như bức tranh mùa đông được ông dễ đi vào lòng người với "Lãng đãng chiều đông Hà Nội" thì "Đâu phải mùa thu" khiến khán giả phải nhớ nhung, tiếc nuối vì mối tình đã qua. Ca từ trầm bổng, ngân lên da diết như lời ru buồn của người say đắm trong tình yêu. 

Hai cố nghệ sỹ tài hoa Ngọc Tân và Quang Lý là hai giọng ca thể hiện ca khúc này thành công nhất.

4. Chiều phủ Tây Hồ (sáng tác năm 1993)

Chiều phủ Tây Hồ là sáng tác được Phú Quang phổ nhạc từ thơ của Thái Thăng Long. Khác với những sáng tác nói về nỗi buồn Hà Nội, ca khúc "Chiều phủ Tây Hồ" lại mang âm hưởng khác đặc biệt. Không còn giai điệu tiếc nuối phảng phất cho tình yêu, ca khúc này của ông mang chút ưu tư của cuộc đời, mang cả sự sầu muộn, tâm tình của một người yêu thích lễ chùa. Đặc biệt, qua chất giọng của nữ diva hàng đầu Việt Nam là Thanh Lam, người nghe như bâng khuâng trước bức ảnh về một chiều ở phủ Tây Hồ mờ mảo với sương giăng bồng bềnh để thả mình theo cõi Phật.

Ca khúc 'Chiều phủ Tây Hồ' gây ấn tượng với người nghe qua chất giọng đặc trưng của diva Thanh Lam
Ca khúc "Chiều phủ Tây Hồ" gây ấn tượng với người nghe qua chất giọng đặc trưng của diva Thanh Lam

5. Mơ về nơi xa lắm 

Mơ về nơi xa lắm cũng là một sáng tác phổ nhạc thơ Thái Thăng Long - bài Yêu Hà Nội. Không còn nỗi buồn đau đáu, Hà Nội trong ca khúc "Mơ về nơi xa lắm" hiện hữu da diết. "Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may..". Đặc biệt, bức tranh về Hà Nội trong ca khúc này còn tái hiện cả câu chuyện tình dang dở khiến cho ca khúc trở nên day dứt hơn.

Nữ ca sĩ Ngọc Anh (cựu thành viên nhóm 3A) là giọng ca thể hiện được toàn vẹn chất nhạc da diết của ca khúc này.

Ngọc Anh từng thể hiện ca khúc 'Mơ về nơi xa lắm' tại đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang
Ngọc Anh từng thể hiện ca khúc "Mơ về nơi xa lắm" tại đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang

6. Về lại phố xưa 

Về lại phố xưa cũng nằm trong danh sách sáng tác Phú Quang phổ thơ Thái Thăng Long. Tuy nhiên, ca khúc này Phú Quang chỉ mượn ý mà không mượn lời. Bên cạnh chút bâng khuâng, chút bồi hồi của người xa Hà Nội đã lâu, những con phố ở đây còn hiện lên yên bình và dịu dàng trong nắng qua cách lồng ghép đầy tinh tế của Phú Quang. Từng con phố, từng nụ cười, từng dãy nhà quen thuộc xuất hiện trong sáng tác này đầy sinh động, đẹp đẽ qua từng ca từ, giai điệu bài hát.

Diva Hồng Nhung là người thể hiện ca khúc này rất thành công.

Ca sĩ Hồng Nhung nổi tiếng với nhiều sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang
Ca sĩ Hồng Nhung nổi tiếng với nhiều sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang

7. Tình khúc 24 (sáng tác năm 1986)

Tình khúc 24 là bài thơ cùng tên của nhạc sĩ Dương Tường, được Phú Quang phổ nhạc thành công. Diva Hồng Nhung lại là người thể hiện ca khúc này thành công nhất. "Tình khúc 24" là ca khúc mượt mà và da diết với hơi thở của âm nhạc đương đại. Dù ca khúc không có một từ Hà Nội nào nhưng toàn bộ không gian hiện lên trong bài hát chính là không gian đặc quánh mùi vị của Hà Nội với phím cầm chiều, nhành sương mím, mùi hoa sữa miền hoài niệm...

Ca sĩ Hồng Nhung có nhiều ca khúc nổi bật là sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang
Ca sĩ Hồng Nhung có nhiều ca khúc nổi bật là sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang

8. Nỗi nhớ mùa đông (sáng tác năm 1986)

Nỗi nhớ mùa đông là ca khúc được Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ Không đề gửi mùa đông của nhà thơ Thảo Phương. Ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông" được Phú Quang truyền tải nỗi buồn, da diết mang nặng những nỗi niềm tâm tư của con người đa cảm xa Hà Nội. Đây cũng được xem là một trong những ca khúc bất hủ nhất mà Phú Quang viết về Hà Nội.  

Có rất nhiều ca sĩ thành công khi thể hiện ca khúc này của Phú Quang. Nhưng dấu ấn đặc sắc nhất vẫn là hai giọng ca quá cố: Ngọc Tân và Quang Lý.

9. Hà Nội ngày trở về 

Hà Nội ngày trở về được Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ Hà Nội của nhà thơ Doãn Thanh Tùng. Tiếp tục là một ca khúc nói về nỗi lòng của người đã xa Hà Nội đã lâu, tuy nhiên, trái với vẻ đẹp dịu dàng, êm dịu của "Về lại phố xưa", ca khúc "Hà Nội ngày trở lại" khiến nhiều người xúc động khi mang tâm trạng nặng trĩu của người con xa xứ phiêu bạt trở về với bao mất mát, thất bại, đau khổ, trở về với Hà Nội như trở về với vòng tay của mẹ để được xoa dịu, an ủi, vuốt ve. 

Ca sĩ Quang Lý được xem là giọng ca xuất sắc nhất khi thể hiện tình khúc này. Sau này, ca sĩ Trọng Tấn cũng được đánh giá cao khi hát Hà Nội ngày trở về.

10. Im lặng đêm Hà Nội

Im lặng đêm Hà Nội là sáng tác Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Ca khúc là câu chuyện hồi ức đẹp mà buồn về một tình yêu tan vỡ. Nhưng như phần đa các tình khúc của Phú Quang, ca khúc không hề nhuốm màu bi lụy.

Ngọc Anh, Thanh Lam là hai giọng ca thể hiện thành công ca khúc này.

Cuộc đời, sự nghiệp của Phú Quang không chỉ thể hiện những rung động, day dứt về tình yêu mà còn đau đáu trước những ký ức về Hà Nội. Qua âm nhạc, ông đều truyền tải đến khán giả cái nhìn đầy sắc nét, sâu lắng về mảnh đất nghìn năm văn hiến. Mặc dù cách thể hiện khác nhau nhưng mỗi sáng tác của ông đều hội tụ ở hình ảnh Hà Nội chan chứa kỷ niệm. Không chỉ được thể hiện qua ca sĩ mà đôi khi, chính Phú Quang đã tự hát lên chính lòng mình. 

Video những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang:

 

 

 

Nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72 Con trai lai Tây của Hồng Nhung: Thích ăn chay, nuôi tóc dài từ bé Hồng Nhung và Diễm My 9x hóa ra lại là chị em họ rất gần
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp