Covid – 19 khiến cho ngành thời trang bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Điều này đã buộc nhiều thương hiệu phải dừng hoạt động hoặc chuyển mình để phù hợp với bối cảnh mới. Một trong những chiến lược mới nhất của ngành thời trang là chiến lược cá nhân hóa.
Đối với giới siêu giàu, việc bỏ ra hàng nghìn đô đến cả triệu đô để mua một món đồ nào đó nhẹ như một cái phẩy tay. Thứ họ mong chờ khi tới với một thương hiệu cao cấp không chỉ là chiếc quần, cái áo mà là sự trải nghiệm. Họ mong muốn một trải nghiệm “độc đáo – riêng tư – giới hạn”.
Ví dụ, Dior có dịch vụ thêu tên lên túi. Gucci thì sẵn sàng sản xuất những mẫu túi tote hày giày thể thao khác nhau cho các thượng đế, miễn là họ trả đủ tiền.
Hermès thì “đo ni đóng giày” những mẫu túi riêng cho khách hàng. Louis Vuitton trong thời đại dịch bệnh căng thẳng lockdown thì không ngần ngại mang cả cửa hàng tới tận cửa nhà các thượng đế.
Đỉnh cao nhất có lẽ là những BST Haute Couture. Khi bước chân vào thánh địa này, các quý bà, quý cô sẽ được đích thân các NTK tên tuổi tư vấn trang phục và trải nghiệm những dịch vụ không ai có thể tưởng tượng.
Theo nghiên cứu từ Deloitte, cứ 1 đến 5 khách hàng sẵn sàng chi trả thêm 20% để trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. 48% không ngần ngại đợi chờ lâu hơn để có được một dịch vụ của riêng mình. Điều này cho thấy nhu cầu cá nhân hóa, đặc biệt trong lĩnh vực xa xỉ, cực kỳ lớn.
Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng có thể đáp ứng được. Theo báo cáo State of Personalization năm 20202 của Segment, chỉ 1 phần 5 những cửa hàng xa xỉ được khảo sát có khả năng thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
Trên nền tảng online, khảo sát cũng chỉ ra rằng, 75% khách hàng mong muốn được cá nhân hóa trải nghiệm. Tuy nhiên, chỉ có 23% thương hiệu đáp ứng: “Người tiêu dùng mong muốn các thương hiệu nhớ được rằng họ là ai, họ mặc size gì và thích màu sắc nào. Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng làm được” - Peter Reinhardt, CEO của Segment cho biết.
Dù vậy, xu hướng cá nhân hóa vẫn được dự đoán là sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022 và cả sau đó.
Bình luận