Có thể bạn chưa biết: Năm nay là tròn 50 năm máy karaoke được chính thức bán ra trên thị trường, là phát minh mang lại hạnh phúc cho toàn nhân loại

Quang Thái Đăng lúc: Chủ nhật, 09/05/2021 14:05 (GMT +7)
Daisuke Inoue lẽ ra đã giàu nứt đố đổ vách, trở thành tỉ phú đô la, nếu ông đăng kí bản quyền phát minh ra máy hát karaoke.

Daisuke Inoue lẽ ra đã giàu nứt đố đổ vách, trở thành tỉ phú đô la, nếu ông đăng kí bản quyền phát minh ra máy karaoke. Ông chọn cuộc sống ở ẩn bình lặng, và hạnh phúc khi mình là người đem đến niềm vui cho hàng tỉ người trên thế giới. 

Chiếc máy hát được phát minh từ một ý tưởng tình cờ 

Năm 1999, tạp chí Time bình chọn 1 trong 20 người châu Á tiêu biểu cho thế kỉ 20, những người có tầm ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại. Trong số rất nhiều những vĩ nhân nổi tiếng, có một người đàn ông Nhật Bản mang cái tên là Daisuke Inoue. 

Năm 2004, ông Daisuke Inoue được đại học Harvard mời đến để trao giải thưởng Ig Nobel Prize. Ig Nobel Prize là gì? Là giải thưởng được trao hàng năm trước khi giải Nobel chính thức được công bố, giải này cho những phát minh, những thành tựu mà “làm cho con người cười, rồi sau đó khiến họ phải suy nghĩ”, mục đích chính là tạo ra sự vui vẻ. 

Làm cho con người cười, tạo ra sự vui vẻ, mang đến những phút giây giải trí và lạc quan. Có cái máy nào làm được điều ấy? 

Đúng rồi, đó chính là karaoke. Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé, rồi cất lên những tiếng ca yêu đời được hệ thống chấm 100 điểm. Daisuke Inoue chính là người đã phát minh ra cái máy ấy. 

Ông phát minh ra nó năm 1969, chính thức bán ra thị trường năm 1971, và năm nay chính là tròn 50 năm karaoke được bán ra, đầu tiên là tại Nhật Bản, lan sang nước Mỹ và phổ biến trên toàn thế giới. 

Daisuke Inoue - 'cha đẻ' của karaoke
Daisuke Inoue - "cha đẻ" của karaoke

Cuộc đời của người phát minh ra nó dường như chứa đựng câu chuyện cổ tích về một sứ mệnh. Daisuke Inoue sinh năm 1940, và năm 3 tuổi ông đã ngã từ tầng 2 nhà xuống, bất tỉnh trong 2 tuần, bác sĩ chuẩn đoán ông bị tổn thương não nghiêm trọng. Lớn lên ở Osaka, trong thời kì chiến tranh thế giới thứ 2, 6 tuổi, Daisuke đã phải đi bán kẹo dạo để kiếm sống. 

Vào cấp 3, Daisuke bộc lộ tình yêu với âm nhạc, dù sự nghèo khó khiến ông không được học hành bài bản về nhạc lý, ông chỉ đến với âm nhạc qua việc thuộc và cảm nhận các giai điệu bằng bản năng, bằng những gì bản thể trong tâm hồn mình. 

Lớn lên, Daisuke Inoue chuyển đến Kobe sống, chọn là một tay trống, biểu diễn ở các bar ca nhạc và đi biểu diễn khắp nơi. Cha mẹ ông hoàn toàn ủng hộ điều này, một thứ công việc cũng không kiếm được nhiều tiền, miễn sao con mình cảm thấy vui vẻ với cuộc sống. 

Hồi trẻ, Daisuke là tay trống trong 1 ban nhạc, ông và ban nhạc của mình đệm nhạc cho những người muốn biểu diễn
Hồi trẻ, Daisuke là tay trống trong 1 ban nhạc, ông và ban nhạc của mình đệm nhạc cho những người muốn biểu diễn
Chiếc máy Juke8 mà Daisuke đã phát minh ra, tiền thân của hệ thống karaoke bây giờ: một chiếc hộp chứa những bản nhạc đã ghi âm, có mic, và đi kèm những quyển sách in lời bài hát
Chiếc máy Juke8 mà Daisuke đã phát minh ra, tiền thân của hệ thống karaoke bây giờ: một chiếc hộp chứa những bản nhạc đã ghi âm, có mic, và đi kèm những quyển sách in lời bài hát

Khi có người muốn hát, ban nhạc của Daisuke sẽ đệm nhạc. Một lần, một người bạn ngỏ ý muốn nhờ Daisuke thâu lại bản nhạc để có thể về nhà và luyện hát, chuẩn bị cho 1 cuộc biểu diễn, đỡ mất công mỗi lần luyện tại phải có một tiểu đội đứng sau phụ trợ. 

Anh thanh niên Daisuke mới nẩy ra một ý định rằng “tạo ra một chiếc hộp nhạc”, chứa sẵn các bản nhạc nền, ai cần chỉ việc hát. Bên cạnh chiếc hộp này có khe nhét tiền xu, ai muốn hát thì nhét tiền vào đấy và nhạc vang lên. Kết hợp với một người bạn là kĩ sư điện tử, Daisuke Inoue tạo ra một chiếc hộp mang tên “Juke 8”, chứa sẵn khoảng 300 bài hát, có khe nhét tiền xu, có mic kết nối tích hợp với loa.

Thời đó, công nghệ chưa phát triển, và đi kèm chiếc hộp nhạc là một quyển sách in lời của mấy trăm bài hát đó. Nhét tiền xu vào hộp, nhạc vang lên, cầm mic lên và nhìn vào sách nếu bạn chưa thuộc lời, “kara” thế là đã “oke” rồi, hát đi đừng ngại. Karaoke có nghĩa là “hát mà không cần ban nhạc đệm”.

Lẽ ra đã có thể là tỉ phú

Daisuke Inoue phát minh ra chiếc máy “Juke 8” vào năm 1969, và năm 1971 thì chính thức bán chiếc máy ra thị trường. 

Ban đầu chẳng mấy ai hào hứng với chiếc máy này, máy “Juke 8” ế chỏng chơ vì người ta chỉ muốn hát cùng ban nhạc. Daisuke không bỏ cuộc, ông nhờ đặt 10 chiếc máy tại 10 quán bar trong vùng Kobe, thuê những cô gái xinh đẹp hát hay biểu diễn bằng chiếc máy. Nhiều người tò mò xài thử, thấy “ồ, cũng hay đó”. 200 quán bar khắp nơi ở Kobe bắt đầu mua và đặt những chiếc máy này. Rồi thì cả Nhật Bản bùng nổ với máy karaoke, 25.000 chiếc máy đã được công ty của Daisuke sản xuất. Mỗi chiếc máy có giá bán khoảng 400 đô-la, mang về khoản tiền đến 100 triệu đô-la cho người phát minh ra nó chỉ 2 năm sau khi chiếc máy chính thức được bán ra trên thị trường. Karaoke bắt đầu xuất hiện ở các nước khác, trở thành cơn sốt khắp nước Mỹ, phổ biến khắp nơi trên thế giới, được cả nhân loại sử dụng. Karaoke trở thành nền công nghiệp giải trí tỉ đô, và lẽ ra Daisuke đã có rất, rất nhiều tiền thêm nữa.

Phát minh của Daisuke Inoue là một trong những phát minh phổ biến nhất của Nhật Bản đến toàn thế giới, và điều đặc biệt nhất, là mang lại hạnh phúc, niềm vui cho toàn nhân loại
Phát minh của Daisuke Inoue là một trong những phát minh phổ biến nhất của Nhật Bản đến toàn thế giới, và điều đặc biệt nhất, là mang lại hạnh phúc, niềm vui cho toàn nhân loại

Daisuke chưa bao giờ coi đây là phát minh của riêng mình, vì ông quan niệm mọi thứ đều có sẵn, ông chỉ ráp nối lại. Việc đăng ký bản quyền ở thời điểm đó tại Nhật Bản cũng quá đắt, nên ông không tiến hành đăng ký bản quyền phát minh. Ngay sau khoảng 2 năm bán chiếc máy, với cả trăm triệu đô có được, Daisuke đã cảm thấy mình có quá nhiều tiền, điều đó khiến ông mất động lực với cuộc sống, vì tiền không phải mục tiêu của ông trong đời. Ông trao lại quyền điều hành công ty cho em trai và sau đó là 2 người con. Ông mua một mảnh đất, chọn ở ẩn, trồng cây và nuôi chó. 

Trong lễ trao giải Ig Nobel, ông Daisuke Inoue có mang theo ghi âm một bản nhạc, ông muốn tất cả mọi người cùng hát. Những người có mặt đã cùng cất lời hát, cùng cười với nhau, và dành cho ông tràng pháo tay được coi là tràng pháo tay dài nhất trong lịch sử trao giải Ig Nobel. 

Cuộc đời và phát minh karaoke của Daisuke Inoue, đã mang đến niềm vui, hạnh phúc, những phút giây giải trí thư giãn tuyệt vời với âm nhạc, cho cả thế giới, trước đây, bây giờ, và cho đến mãi mãi về sau. Từ một ý tưởng, đã thay đổi thế giới, mang lại hạnh phúc cho thế giới. Với Daisuke Inoue, chỉ cần như vậy là đủ. 

Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp