Đại dịch COVID-19 gần đây đã gây những hậu quả khôn lường đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Không chỉ có du lịch, giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề mà các quán đồ uống cũng vậy. Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo của nhà nước và tinh thần đoàn kết, chung tay đẩy lùi COVID-19 của toàn dân Việt Nam, nước ta tạm thời thoát khỏi đại dịch, mọi hoạt động của đời sống bắt đầu đi vào chu kỳ vốn có của nó.
Theo như ghi nhận từ thực tế, các quán cà phê đang phục hồi một cách nhanh chóng. Họ đẩy nhanh mở cửa hoạt động trở lại nhằm khắc phục và bù lại doanh thu thụt giảm trong thời gian giãn cách xã hội. Các quán cà phê cũng chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch như chuẩn bị dung dịch rửa tay, yêu cầu nhân viên phải đeo khẩu trang, sắp xếp lại chỗ ngồi và vệ sinh quán thường xuyên hơn. Điều này sẽ không những bảo vệ cả nhân viên và khách hàng khỏi dịch bệnh mà còn đánh tan tâm lý lo sợ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Từ đó, cải thiện được doanh số và phát triển hoạt động kinh doanh.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil, cùng với dân số hơn 100 triệu người, nước ta được đánh giá là thị trường tiêu thụ cà phê tiềm năng trên thế giới. Theo Statista, công ty chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng của Đức, cho biết, quy mô thị trường cà phê của Việt Nam năm 2019 đạt gần 5,9 tỷ USD, cao gần gấp 2 lần so với năm 2013. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, giá trị thị trường có thể giảm xuống còn 4,8 tỷ USD. Tuy nhiên, theo như dự báo của các chuyên gia, doanh thu của các quán kinh doanh cà phê sẽ khôi phục và tăng liên tục trong những năm sắp tới, đến năm 2025, tăng trưởng dự kiến đạt 8 tỷ USD.
Các ông lớn trong lĩnh vực cà phê như Phúc Long, Highland, Coffee House, Trung Nguyên, Coffee Beans and Tea Leaf đã sớm nhìn ra tiềm năng phát triển ở thị trường Việt Nam và nhanh chóng đưa ra những chiến lược để khai thác thị trường màu mỡ này.
Trong số chuỗi cà phê lớn phải kể đến Highlands Coffee, thuộc gia đình Jollibee Group - "Anh cả" trong mô hình kinh doanh nhà hàng chuỗi tại Philippines. Năm 2019, doanh thu của Highlands Coffee đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2018. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới. Giai đoạn 2017-2018, lợi nhuận ròng của Highland chạm mức cao nhất, khoảng 130 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Highlands lại giảm mạnh tới 35% so với năm 2018. Sự suy giảm này có thể do sự vươn lên mạnh mẽ của các hãng cà phê khác như Phúc Long, Coffee House hay Starbucks. Năm 2019, doanh thu của cả 3 chuỗi cà phê này đều chạm mức 700 - 800 tỷ đồng, một con số khá ấn tượng không thua kém gì so với doanh thu của Highlands.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, bức tranh của các thương hiệu đồ uống tại Việt Nam không còn phát quang như năm 2019. Điểm đen đầu tiên là sự suy thoái của The Coffee House, thương hiệu cà phê dành cho giới sinh viên, công sở. Quý III năm nay, The Coffee House bất ngờ báo lỗ 81 tỷ đồng, lần đầu tiên lỗ trong nhiều năm trở lại đây. Lý do được đưa ra để giải thích cho sự nghịch lý ở trên là The Coffee House không đưa các cửa hàng lên app giao nhận đồ ăn, thay vào đó họ sử dụng dịch vụ giao hàng của riêng mình.
Theo quan điểm của nhà lãnh đạo The Coffee House - Ông Đinh Anh Huân, việc hợp tác với ứng dụng giao đồ ăn là "tự sát" vì nó chỉ đem lại giá trị ngắn hạn cho cà phê, thương hiệu cà phê rồi sẽ bị phụ thuộc vào tên tuổi và thời gian tồn tại của các ứng dụng đó. Bên cạnh đó, cũng không thể loại trừ khả năng, chiến lược kinh doanh không đi đúng hướng làm cho The Coffee House thua lỗ.
Ngay cả Starbucks, dựa vào lợi thế thương hiệu đã có sẵn trên thị trường thế giới để làm bàn đạp đi sâu, khai thác thị trường Việt Nam, doanh thu của năm 2020 cũng không đạt như kỳ vọng. Tuy vậy, với đa số khách hàng thuộc giới thượng lưu, biên độ lãi gộp của của Starbucks vẫn đạt mức 19%, thu được lợi nhuận khoảng 52 tỷ đồng.
Tươi sáng nhất vẫn là Phúc Long. Từng có thời điểm là xu hướng của giới trẻ Sài Gòn, nhờ tận dụng được thời điểm, Phúc Long mở rộng và chinh phục thị trường miền Bắc một cách khá thuận lợi. Hiện tại biên lợi nhuận gộp của Phúc Long là 35%, đây cũng là con số đáng tự hào trong ngành đồ uống.
Bình luận