Sự việc em bé 6 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở Hoàng Đạo Thúy một lần nữa nhắc nhở bậc làm cha mẹ lưu tâm hơn về sự an toàn của con cái. Tai nạn nằm ngoài ý muốn và là nỗi đau khôn nguôi, song nhiều trường hợp có thể phòng tránh nếu các nguyên tắc về đảm bảo an toàn không gian sống được thực hiện triệt để.
Để đảm bảo nguyên tắc phòng cháy chữa cháy, các nhà thiết kế chung cư thường không rào chắn ban công và cửa sổ căn hộ. Tuy nhiên, nếu nhà có trẻ con, việc làm này lại rất cần thiết.
Có nhiều thiết bị rào chắn vừa đảm bảo an toàn vừa dễ dàng tháo dỡ trong điều kiện cứu hỏa. Ví như loại lưới an toàn dây nhựa lõi thép mềm. Nên làm song chắn theo chiều dọc thay vì chiều ngang để tránh trẻ hiếu động, bám vào trèo lên gây đứt, gãy.
Ngoài ra, ban công không nên để các đồ vật khiến trẻ nhỏ có thể leo lên dễ dàng như máy giặt, chậu hoa, bàn, ghế...
Ở chung cư cao tầng, căn dặn trẻ không leo trèo những nơi nguy hiểm là một trong những kỹ năng sống cha mẹ hoặc người chăm sóc nên hướng dẫn kỹ càng cho con. Không chỉ ban công và cửa sổ trong nhà, ban công và cửa sổ ở khu vực hành lang chung, cầu thang bộ cũng tiềm ẩn các nguy cơ đối với trẻ nhỏ.
Thường xuyên trò chuyện với trẻ về hành vi an toàn và hành vi mất an toàn để trẻ ngấm dần, hiểu dần và có ý thức bảo vệ bản thân.
Thông thường, trẻ cần nơi để vui chơi, học tập. Khi có đủ không gian để vui chơi, trẻ sẽ không bị mất kiểm soát, tránh được những hành vi hiếu động quá mức gây nguy hiểm tới tính mạng. Các không gian cho trẻ vui chơi cũng cần đảm bảo sự an toàn và nên có người lớn theo dõi, giám sát trẻ.
Trẻ dưới 13 tuổi thường chưa phát triển đầy đủ về tâm lý, nhận thức, hành vi và chưa hoàn toàn độc lập. Bởi vậy, nếu cha mẹ để trẻ ở nhà một mình sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra. Trẻ cảm thấy buồn chán, cô đơn và sẽ có những hoạt động gây nguy hiểm cho bản thân do không được hướng dẫn, nhắc nhở. Vì thế, dù bận rộn tới đâu, cha mẹ cũng nên lưu tâm sắp xếp thời gian để trẻ luôn được bảo vệ bởi người lớn.
Bình luận