Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Cảnh giác với thực phẩm chay đóng gói

Bằng Giang Đăng lúc: Thứ hai, 31/08/2020 10:49 (GMT +7)
Sự việc Pate Minh Chay có chứa độc tố gây tử vong như một báo động để người tiêu dùng cảnh giác hơn với thực phẩm chay đóng gói.
Hashtag #Ngộ độc thực phẩm #NEWS

Không chỉ pate, nhiều thực phẩm chay đóng gói cũng có nguy cơ nhiễm độc

SỰ VIỆC PATE MINH CHAY: CẢNH GIÁC VỚI THỰC PHẨM CHAY ĐÓNG GÓI - Ảnh 1
SỰ VIỆC PATE MINH CHAY: CẢNH GIÁC VỚI THỰC PHẨM CHAY ĐÓNG GÓI - Ảnh 1

Do nhu cầu ăn chay của người dân ngày càng cao, đặc biệt trong tháng 7 Âm lịch, thị trường đồ chay đóng gói rất sôi động với nhiều chủng loại và mẫu mã phong phú. Ngoài các món đậu hũ, nấm, giò chả..., đồ chay đóng gói còn rất nhiều thực phẩm giả mặn như cá hồi, cá basa, đùi gà chay, ốc chay, mề chay...

Với nhiều người, ăn chay không chỉ để giảm nghiệp sát sinh mà còn kèm theo mong muốn tăng cường sức khỏe, hạn chế chất phụ gia trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, mục đích này sẽ không đạt được nếu sử dụng thường xuyên thực phẩm chay đóng gói chế biến sẵn.

Thông thường, thực phẩm chay đóng gói phải sử dụng chất bảo quản giống như mọi thực phẩm công nghiệp khác. Những chất này được chứng minh là ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe con người và có nguy cơ gây ngộ độc hàm lượng vượt ngưỡng do quá trình sản xuất thiếu chuẩn. Nếu thường xuyên sử dụng chất bảo quản trong thực phẩm, người dùng có thể bị suy yếu các mô tim, ảnh hưởng tới gan và hệ thần kinh.

Bên cạnh đó, các chất phụ gia trong thực phẩm chay vẫn còn là một ẩn số chưa được kiểm soát. Đặc biệt là các thực phẩm chay không rõ nguồn gốc. Nhiều thực phẩm chay được quảng cáo là "mùi vị giống hệt đồ mặn", song thường là do đã bổ sung chất tạo màu, chất điều vị - những hợp chất giúp mùi vị thức ăn hấp dẫn hơn.

Phân biệt thực phẩm chay an toàn bằng cách nào?

Từ vụ ngộ độc pate Minh Chay, có thể thấy không thể chỉ dựa vào uy tín thương hiệu khi chọn thực phẩm chay để sử dụng. Minh Chay là cơ sở sản xuất thực phẩm chay có kinh nghiệm 30 năm, được nhiều người tin tưởng, chất lượng đồ ăn được đánh giá tốt. Song chỉ cần một sai sót nhỏ trong quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản thực phẩm là có thể gây nguy hại đến rất nhiều người.

Người tiêu dùng không nên mua thực phẩm chay đóng gói không có xuất xứ, nhãn mác, nhất là các thực phẩm chay "nhà làm". Nhưng đồng thời cũng nên cảnh tỉnh với thực phẩm đóng gói nói chung, ngay cả loại có nguồn gốc rõ ràng. 

Khi mua thực phẩm chay, yếu tố cần chú ý là màu sắc của thực phẩm. Thực phẩm không có màu sắc tự nhiên của nguyên liệu, quá trắng hoặc nhuộm màu quá rực rỡ đều không nên dùng. Ngoài ra, cần cân nhắc kĩ với các loại thực phẩm có hạn sử dụng quá dài, mùi vị lạ, mùi vị giống đồ mặn, cách đóng gói thủ công hay có thể dùng ngay sau khi mở gói mà không cần qua bước đun nấu làm chín.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - khuyên người dân khi ăn chay nên ăn thức ăn đã nấu chín, tránh ăn thức ăn đóng hộp làm bằng tay không có công nghệ tiệt trùng.

Ngoài ra, pate chay, đồ ăn chay dùng dở hay mọi loại thực phẩm thông thường dư thừa không nên để bên ngoài, dễ trở thành nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn xâm nhập. Lời khuyên của chuyên gia là nên lưu trữ đồ ăn vào hộp kín và cất trong tủ lạnh.

Những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn Ăn chay khi mang thai vẫn đảm bảo an toàn cho mẹ và bé Những lưu ý khi phóng sinh Rằm tháng 7 Top 4 Địa chỉ đặt đồ chay cúng Rằm tháng 7 tại Hà Nội
Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp