Thông thường, việc thờ cúng Thần Tài cũng giống như thờ ông bà tổ tiên, thờ Phật … tức là Thần Tài phải được thờ trên một bàn thờ riêng như các bàn thờ khác để thể hiện sự tôn trọng, giữ gìn tôn nghiêm nơi thờ cúng vị thần tiên này.
Theo phong tục người Việt thì khác với ban thờ gia tiên thường đặt trên cao, ban thờ Thần Tài và Ông Địa được thờ chung trên một bàn thờ được đặt ở dưới đất, phía góc nhà với thế lưng dựa vào tường và hướng ra cửa. Việc đặt bàn thờ Thần Tài dưới đất, dựa vào tường có ý nghĩa tạo ra thế vững vàng giúp công việc sự nghiệp gia chủ luôn vững vàng và phát triển. Hướng đặt bàn thờ nhìn ra cửa có ý nghĩa thu hút Tài Lộc giúp gia chủ làm ăn phát đạt.
Thần Tài Ông Địa là hai vị Thần cai quản mọi việc, trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình chính vì thế mà việc thờ cúng các thần phải được thực hiện chu đáo. Hàng ngày thì những nhà làm ăn buôn bán (hiện nay thì đã phổ biến rộng rãi ở nhiều gia đình Việt) đều sẽ thắp một nén nhang lên ban thờ Thần Tài Ông Địa để cầu thuận lợi, may mắn. Đồ lễ thì có thể lâu lâu thay một lần nhưng hoa thì luôn phải đảm bảo còn tươi.
Vào những ngày lễ Tết quan trọng như rằm, mùng 1, giao thừa ... và đặc biệt là ngày 10 tháng giêng, ngày vía Thần Tài thì các gia định thường sắp lễ cúng với cỗ chay hoặc cỗ mặn, hương khói đủ dầy để dâng lên thần nhằm mong sự phù hộ cho vạn sự bình an, phúc lộc ngập tràn và thật nhiều may mắn. Lễ cúng Thần Tài cũng sẽ được bày biện xung quanh bàn thờ Thần Tài đặt dưới đất và gia chủ sẽ tiến hành thắp hương, cúng bái và đọc văn khấn tại vị trí đặt ban thờ.
Bình luận