Trong cuộc họp sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia… về Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 15/9, Việt Nam dự kiến mở đường bay quốc tế đối với 4 khu vực và vùng lãnh thổ là Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Đài Loan (Trung Quốc). Tiếp đó, ngày 22/9 sẽ mở thêm đường bay với Lào, Campuchia.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Đây là những khu vực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt và có sự đàm phán cả hai bên để tương đồng, có đi có lại, trao đổi với nhau. Các nước họ đề nghị nối chuyến, chúng ta phải thực hiện các biện pháp nới lỏng hơn".
Những người được ưu tiên trong các chuyến bay này là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam ở các khu vực này có nhu cầu về nước.
Cũng theo ông Dũng, số người nhập cảnh dự kiến mỗi tuần khoảng 5.000 người. Và dần dần số người về sẽ ít đi vì chuyên gia và nhà đầu tư không phải sang đồng loạt, nhưng số người ở nước thứ ba (từ Mỹ, từ châu Âu) về sẽ đông hơn. Dù vậy, những hành khách bay từ nước thứ 3 khi về Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: "Hiện Chính phủ vẫn chưa tính đến việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam mà chỉ ưu tiên các chuyên gia, nhà đầu tư và người Việt Nam muốn về nước".
Theo đó, để giới hạn người nhập cảnh ồ ạt, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ GTVT đã đánh giá, mỗi tuần chỉ mở hai chuyến.
Như vậy đây là cơ hội để đưa người Việt Nam sang lao động ở nước ngoài ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo an toàn.
Bên cạnh việc nối lại các đường bay thương mại, Chính phủ cũng tính toán việc rút ngắn thời gian ly cách với các chuyên gia, nhà đầu tư và với những hành khách bay từ nước được đánh giá an toàn.
Trường hợp cách ly 14 ngày thì cả phi công, tiếp viên cũng phải cách ly 14 ngày. Với nhà đầu tư, việc cách ly kéo dài như vậy không thuận tiện. Do vậy Chính phủ dự kiến rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 5-7 ngày.
Người phát ngôn Chính phủ giải thích và cho biết: "Văn phòng Chính phủ đề xuất 5 ngày, bởi vì những hành khách này phải test 2 lần sau khi nhập cảnh và trước khi nhập cảnh phải xác nhận âm tính". Việc rút ngắn thời gian xuống còn bao nhiêu ngày hiện vẫn đang tính toán theo hướng giảm thời gian cách ly tập trung và để hành khách về nơi cư trú theo dõi.
Về việc thu phí cách ly, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, từ 1/9, tất cả những người thuộc diện cách ly phải tự chi trả chi phí, mức phí theo dịch vụ nơi cách ly: "Cách ly ở khách sạn 5 sao thì theo giá của khách sạn nhưng Chính phủ cũng khuyến khích các khách sạn có cơ chế khuyến mại. Hà Nội có 18 khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly".
Với những người nhập cảnh, ông Dũng cho rằng khả năng xét nghiệm ở sân bay mà đông người rất khó. Do vậy Chính phủ đang tính toán đến phương án xét nghiệm tại nơi lưu trú, được báo trước và có thu phí. Cơ quan y tế địa phương sẽ đến nơi lưu trú để xét nghiệm, chi phí có thể tính toán trong gói lưu trú.
Về mức phí xét nghiệm PCR, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang tính theo tinh thần tỉnh nào thì tỉnh đó chịu trách nhiệm, trong thu phí dịch vụ lưu trú sẽ thu luôn tiền xét nghiệm, sau đó cơ sở lưu trú trả lại tiền cho đơn vị cung cấp dịch vụ về xét nghiệm.
Đối với người Việt Nam từ nước ngoài về, điều kiện khó khăn, phương án cách ly 14 ngày trong khu cách ly quân đội vẫn được áp dụng. Người cách ly chỉ phải đóng phí ăn uống và đồ dùng sinh hoạt.
Bình luận