Danh sách các nước sẽ đăng cai địa điểm thi đấu vòng bảng EURO năm nay (chỉ tính vòng bảng, chưa tính vòng knock-out và xa hơn) bao gồm: Azerbaijan, Italia, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hungary, Nga và Scotland. Trong đó có duy nhất Azerbaijan là không được tham dự.
Trong số 9 đội còn lại thì có tới 6 đội được đá đủ 3 trận vòng bảng trên sân nhà gồm: Italia, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Đức nên họ sẽ chỉ cần ngồi "rung đùi" chờ đón tiếp các vị khách tới "thăm nhà" và thi đấu với mình.
Ba đội còn lại là Nga, Hungary và Scotland thì "vất vả" hơn đôi chút khi chỉ được đá 2 trận trên sân nhà và phải di chuyển đến sân khách trận còn lại, thế những khoảng cách cũng chỉ loanh quanh 1.000 km nên cũng không vất vả là mấy.
Dẫu chuyện di chuyển qua các quốc gia để thi đấu là khá bình thường trong thế giới bóng đá đỉnh cao tại châu Âu. Các cầu thủ vốn đã quá quen với việc ngồi máy bay, xe bus hàng giờ sang nước bạn để đá Champions League và Europa League, nhưng nói như vậy không có nghĩa là các đội tuyển còn lại có thể "nhẹ như không".
Ưu thế sân nhà và quãng đường di chuyển là vô cùng lớn còn với những đội phải đi càng nhiều thì càng bất lợi bởi sự mệt mỏi, chênh lệch múi giờ rồi các vấn đề ăn ở hay về sức khỏe nhất là trong thời kỳ dịch bệnh. Theo thống kê, ĐT Thụy Sỹ phải di chuyển nhiều nhất với quãng đường lên tới 10.011 km, đây là đội phải đi xa nhất và nhiều nhất trong số các đội tham dự EURO lần này.
Cụ thể, Thụy Sỹ đá ở bảng A tại 2 thành phố Roma của Italia và Baku của Azerbaijan và lại còn phải đá kiểu xen kẽ, tức là đá trận đầu ở Baku, trận 2 ở Roma rồi lại về Baku đá trận 3. Khoảng cách di chuyển giữa hai thành phố là hơn 4.400 km. Như vậy, quãng đường mà Thụy Sỹ di chuyển qua lại sẽ lên tới 8.800km cho 3 trận vòng bảng, chưa kể hành trình từ quê nhà đến Baku rồi từ Baku về nước hoặc tiếp tục đến một thành phố khác nếu vào vòng knock-out.
Tương tự là trường hợp của Ba Lan. Họ sẽ đá trận đầu ở Sevilla (Tây Ban Nha) xong lại sang Saint Petersburg (Nga) để đá 3 trận đấu tại bảng E với quãng đường lên tới 4.500 km. Bỉ cũng là đội tuyển "chịu khổ" khi phải đi từ quê hương sang Đan Mạch rồi lại đến tận Nga để thi đấu lần lượt các trận.
Cá biệt là có Đan Mạch, một trong số các đội chủ nhà nhưng lại "số nhọ" khi mà đội cùng bảng với họ là Nga cũng đăng cai tổ chức. Cuối cùng là Đan Mạch sẽ phải di chuyển gần 10.000 km để đá 3 trận vòng bảng, do từ Copenhagen (Đan Mạch) tới Saint Petersburg (Nga) là hết sức xa xôi.
Ở các kỳ EURO trước đây thì thường chỉ diễn ra ở một quốc gia, nhiều nhất cũng chỉ 2 quốc gia. Tất nhiên các trận đấu sẽ diễn ra tại nhiều thành phố khác nhau, song ở vòng bảng thì hầu như chỉ diễn ra ở cùng một sân vận động (SVĐ) hoặc hai SVĐ cùng một thành phố. Vì thế, các đội bóng gần như không phải di chuyển nhiều. Với sự thay đổi mang tính lịch sử này của EURO 2021, người ta cũng chỉ đành biết thử nghiệm để "rút kinh nghiệm" chứ khó có thể lặp lại như lịch sử, bởi Covid-19 đã và sẽ thay đổi công tác tổ chức các giải đấu thể thao lớn trên thế giới mãi mãi.
Bình luận