Chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học và phân bón hữu cơ từ vỏ hạt điều và lá cây dã quỳ của học sinh trường Chuyên Hùng Vương (Gia Lai) đã đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tại Thanh thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc 2020.
Nhóm học sinh gồm 5 em: Lê Nhật Minh (lớp 11C2A), Trần Lê Hải (lớp 12C8), Phan Lê Khánh Dương (lớp 11C6), Huỳnh Thị Thanh Huyền (lớp 11C2B) và Võ Trọng Nhân (lớp 11C5A) đã bắt tay vào nghiên cứu hai chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học và phân bón để chăm sóc cho cây điều. Các em đã tận dụng phần vỏ hạt điều để làm thuốc trừ sâu. Bởi người dân khi thu hoạch chỉ lấy phần nhân còn vỏ hạt điều bị thải bỏ gây ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ về việc làm này, em Lê Nhật Minh cho biết: "Theo em được biết, mỗi năm tỉnh Gia Lai có khoảng 50 ngàn tấn vỏ hạt điều bị thải ra ngoài môi trường. Nhóm chúng em đã tìm hiểu nhiều tài liệu và biết được trong vỏ hạt điều chứa một số chất quý giúp ức chế hoạt động của côn trùng. Khi kết hợp với lá cây dã quỳ sẽ tạo ra một hỗn hợp cực mạnh để chống lại côn trùng xâm hại đến cây điều".
Khi biết được điều này, nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu để mong muốn tạo ra các chế phẩm nông nghiệp từ vỏ thải hạt điều và lá cây dã quỳ. Các em mong muốn hỗ trợ bà con nông dân sử dụng làm phân bón và chống lại các loại sâu bệnh hại cho cây điều, đồng thời, cũng có thể sử dụng để chăm sóc các loại cây khác.
Một điểm đặc biệt của các chế phẩm này sử dụng nguyên liệu chính là từ vỏ thải hạt cây điều nên giúp ích và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đề tài đăng ký của nhóm học sinh có tên "Combo (Far-Sup), sản phẩm của nhà nông làm từ phế thải nông nghiệp, thân thiện với môi trường".
Để có thể thực hiện được dự án trên, nhóm học sinh đi xa hàng chục cây số đến các vườn điều của bà con ở xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) để khảo sát, thực nghiệm. Ngoài giờ học, các em lại đến phòng thí nghiệm của nhà trường để nghiên cứu, phân tích và tách chiết các chất.
"Điều khiến chúng em gặp khó khăn nhất là vỏ hạt điều có chất gây dị ứng nên chúng em phải mất hàng tháng để loại bỏ chất này và tạo nên sản phẩm hữu ích diệt côn trùng tối ưu nhất", em Trần Lê Hải tâm sự. Sau nhiều tháng nghiên cứu, cuối cùng nhóm học sinh đã hoàn thành xuất sắc đề tài của mình.
Dự án này đã vượt qua 754 đề tài của 57 tỉnh thành tham dự và giành được giải Nhì trong cuộc thi. Được biết, nhóm học sinh trên đều là học sinh giỏi của trường và từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật.
Bình luận