Sau chuỗi ngày tăng giá ổn định, giá vàng hôm nay tại thị trường trong nước tính đến 6h30 ngày 11.6 quay đàu giảm nhẹ khi được các doanh nghiệp điều chỉnh mức giảm từ 150.000 - 250.000 đồng mỗi lượng, đưa giá vàng trong nước về sát ngưỡng 69 triệu đồng/ lượng bán ra. Cụ thể là:
Giá vàng SJC hôm nay được Tập đoàn DOJI khu vực điều chỉnh giảm 250.000 đồng ở chiều mua vào xuống mức 68,55 triệu đồng/ lượng và giảm 200.000 đồng ở chiều bán ra xuống ngưỡng 69,40 triệu đồng/ lượng. Còn tại TP.HCM, giá vàng DOJI giảm 250.000 đồng ở chiều mua vào xuống còn 68,65 triệu đồng/ lượng và giảm 150.000 đồng ở chiều bán ra, hiện đang giao dịch ở mức 69,45 triệu đồng/ lượng so với rạng sáng ngày trước đó. Chênh lệch giá vàng giữa mua vào - bán ra tại DOJI đang là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC sáng nay đã được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 250.000 đồng ở cả hai chiều. Với mức giảm này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,55 triệu đồng/lượng mua vào và 69,47 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi tại TP.HCM, giá vàng SJC vẫn đang mua vào mức 68,55 triệu đồng/lượng, tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng, và đang được giao dịch ở mức 69,45 triệu đồng/lượng .
Cùng thời điểm giao dịch sáng nay, giá vàng Vietinbank Gold cũng giảm 250.000 xuống còn 68,55 triệu đồng/lượng mua vào và 69,47 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại doanh nghiệp vàng bạc Phú Quý đã giảm 250.000 đồng ở chiều mua vào xuống mốc 68,55 triệu đồng/lượng và giảm 200.000 đồng ở chiều bán ra xuống còn 69,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay trên thị trường quốc tế lúc 6h30 sáng 11.6 (theo giờ Việt Nam) ghi nhận xu hướng tăng mạnh với giá vàng giao ngay niêm yết trên sàn Kitco ở mức 1.870,4 USD/ounce, tăng 27,3 USD so với rạng sáng ngày trước đó. Trong khi giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã bù hết các khoản lỗ trong ngày và tăng 25,6 USD lên mức 1.871,2 USD/ ounce.
Đầu phiên giao dịch sáng nay, thị trường vàng thế giới chịu áp lực bán ra mạnh mẽ sau dữ liệu được công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nóng hơn dự kiến. Kim loại quý không thể tìm được động lực tăng giá từ dữ liệu lạm phát. Có thời điểm đã rơi xuống gần mức 1.820 USD/ ounce. Tuy nhiên, không lâu sau đó, giá kim loại màu đã lấy lại được đà tăng và bứt phá vượt mốc1.870 USD/ ounce.
Các chuyên gia cho rằng, dữ liệu mới nhất về Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 5 đã tăng 1% khiến giới đầu tư kim loại quý “bối rối”. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng cao sẽ giữ lãi suất thực ở mức thấp, nhưng những dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến (tăng 8,6% trong tháng 5) sẽ củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ cứng rắn của mình.
Fed mới đây cũng đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, các thị trường hiện đang dự báo có thể sẽ có thêm lần tăng 50 điểm cơ bản thứ ba sau mùa hè.
Mặc dù giá vàng thế giới lấy được đà tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối của tuần này nhưng các chuyên gia dự báo giá vàng có thể sẽ giảm xuống mức 1.825 USD/ounce, thậm chí là 1.800 USD/ounce.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management giải thích, lạm phát cao có thể khiến Fed hành động quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều đó có thể sẽ gây bất lợi cho kim loại quý.
Vàng vẫn được xem là tài sản dự phòng trước lạm phát, nhưng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng gia tăng khi Fed tăng lãi suất nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát.
ANZ Research cho rằng, việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất thực tế tăng và đồng USD mạnh lên đang khiến vàng giảm sức hấp dẫn. Việc rút lại các biện pháp kích thích kinh tế cũng đang gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư.
Bình luận