Lao động đưa tin, sáng nay 29/12, kiến trúc sư Trần Quang Minh hiện sinh sống tại TP.HCM - em trai ông Trần Quang Hải - cho biết: "Anh trai tôi lúc tối đi ngủ, và ngủ luôn không dậy nữa".
Theo đó, GS.TS Trần Quang Hải, trưởng nam của cố GS Trần Văn Khê, đã qua đời lúc 0 giờ ngày 29/12 tại Paris - Pháp, hưởng thọ 77 tuổi.
Được biết, từ năm 2019 GS.TS Trần Quang Hải bị bệnh ung thư máu. Đến tháng 5/2019, vì độ đường trong máu xuống thấp, ông được đưa vào Bệnh viện Villeneuve St. Georges (Pháp) cấp cứu. Các bác sĩ khi đó tiến hành thăm khám, đã phát hiện ông bị sưng phổi và suy thận. Đồng thời bệnh nền của ông chính là ung thư máu, tiểu đường mãn tính nên luôn đe dọa tính mạng của GS.TS. Dù biết mình mắc căn bệnh nan y, nhưng GS.TS vẫn giữ tinh thần lạc quan, và cố gắng để chống chọi với các căn bệnh cho đến lúc qua đời.
>>> Xem thêm: Có 165 hành khách đi cùng chuyến bay với ca Omicron đầu tiên tại Việt Nam
Mới đây vào ngày 23/12, giáo sư Trần Quang Hải còn gửi đến ban tổ chức Quỹ học bổng Trần Văn Khê tại TP.HCM một video ông nói về tâm nguyện lập quỹ học bổng của cha mình và đã bày tỏ niềm vui mừng khi Quỹ học bổng tới tên cha ông đã đi vào hoạt động,
GS.TS Trần Quang Hải sinh tại TP HCM vào năm 1944, là hậu duệ đời thứ 5 của nhạc sĩ cung đình Huế Trần Quang Thọ (1830-1890); Đồng thời ông cũng lầ cháu đời thứ tư của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tỳ bà - Trần Quang Diệm; là hậu duệ đời thứ 3 của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn kìm và dây Tố Lan Trần Quang Triều (tự Bảy Triều). Ông được xem là truyền nhân của giáo sư Trần Văn Khê.
Chịu ảnh hưởng truyền thống gia đình, từ sớm ông đã hướng theo con đường âm nhạc. Tốt nghiệp khoa violin tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn xong, ông đã sang Pháp để tiếp tục học nâng cao về violin.
Sau thời gian miệt mài học tập, với tài năng của mình, ông đã được cấp bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt tại Pháp, đồng thời cũng là người thứ hai lấy bằng này sau cha của mình.
Từ năm 1968, ông bắt đầu làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bào tàng Con người (Musée de l’Homme) Paris (Pháp). Trong sự nghiệp của mình, ông đã có những nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, đồng thời còn là thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế.
Cùng với vợ là ca sĩ Bạch Yến, lúc sinh thời ông đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở 70 quốc gia trên khắp thế giới. Nhờ những đóng góp to lớn của mình, nhất là sau khi chiến thắng tại một cuộc thi gõ muỗng trong khuôn khổ Đại nhạc hội ở Anh vào năm 1967, ông được tôn xưng danh hiệu "vua muỗng".
Tại Việt Nam, GS.TS Trần Quang Hải đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu - âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng. Vào năm 2012, ông cũng được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người trình diễn đàn môi tại nhiều quốc gia nhất trên thế giới.
Bình luận