Ngoài những món ăn như cơm lam, gà nướng, xôi măng… khi nhắc đến ẩm thực Kon Tum, những người yêu vùng đất đỏ bazan này sẽ không thể bỏ qua cái tên gỏi lá. Sẽ không quá lời nếu nói, gỏi lá chính là một trong những món ăn mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên nhất ở thành phố này.
Thậm chí với nhiều du khách đến thăm Kon Tum, nếu chưa thưởng thức món gỏi lá tức là bạn chưa đến Kon Tum và chưa đặt chân lên núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Đặc biệt, cách đây không lâu, gỏi lá còn được vinh danh là một trong mười món ăn Việt Nam đạt đến giá trị tinh hoa ẩm thực châu Á .
Gỏi lá một món ăn khá phổ biến ở Việt Nam, bạn có thể ăn trực tiếp trên đĩa (như các món nộm) hoặc có thể sử dụng bánh tráng cuốn các loại đồ ăn kèm như thịt, tôm, cá, rau và chấm vào các chén nước chấm cay cay. Nếu như các món gỏi khác chỉ sử dụng rau như một loại món ăn kèm thì gỏi lá lại hoàn toàn trái ngược. Khi ăn món ăn này, bạn chỉ sử dụng rau là chính và thêm một chút thịt, tôm… để món ăn thêm ngon miệng. Chính vì vậy khi nhìn thấy một mẹt gỏi lá lần đầu, bạn sẽ bị choáng ngợp với một khay to các loại lá xanh mướt, mát mắt vô cùng.
Mặc dù là một món ăn có thể ăn quanh năm, thế nhưng tuỳ thuộc vào mùa mưa hay mùa khô mà món gỏi lá có nhiều hay ít các loại lá. Nếu như vào mua khô, một mâm gỏi lá chỉ gồm từ 30 đến 40 loại lá rừng thì vào mưa mưa, khi cây cối trong rừng đua nhau mọc xum xuê thì một mâm gỏi lá sẽ có từ 60 đến 70 loại lá rừng.
Ngoài những loại lá quen thuộc và dễ tìm thấy trong các mâm cơm của người Việt như: tía tô, bạc hà, rau má, rau húng, diếp cá, đinh lăng, lá mơ,kinh giới lá ổi, chùm ruột, lá xoài… thì một mâm gỏi lá còn có nhiều loại lá rừng mà chỉ vùng đất Tây Nguyên mới có như: lá trâm, mật gấu, me rừng, ngành ngạch đỏ, chòi mòi… Bên cạnh các loại là là nguyên liệu “linh hồn” thì gỏi lá còn gồm nhiều món phụ với các cách chế biến khác nhau như: ba chỉ, tôm đất rang, nem chạo hay một đĩa muối hột kèm ớt xanh, tiêu đen…
Và cũng giống như các món gỏi nổi tiếng khác, món gỏi lá sẽ không được yêu thích đến vậy nếu thiếu chén nước chấm được chế biến khá kì công. Nước chấm của gỏi lá được làm bằng gạo nếp lên men, sau đó mang ủ với tôm khô, ba chỉ rồi xay nhuyễn. Trước khi ăn, hỗn hợp này sẽ được mang đảo trên một chảo nóng đã sẵn hành phi và thêm một số gia vị như: mẻ, sa tế….
Không chỉ có công đoạn chuẩn bị gỏi lá phức tạp, cách thưởng thức món ăn này cũng khá kì công. Đầu tiên, bạn cần sử dụng một chiéc lá mơ cuốn thành phễu nhỏ rồi thêm vào 5 đến 7 loại lá khác vào, sau đó đặt lên một lát thịt luộc, tôm hay bì lợn và chan nước chấm lên và thêm vào chút gia vị tiêu đen hay ớt xanh. Sau khi đã thưởng thức xong chiếc cuốn này, bạn sẽ từ từ thưởng thức các loại lá tiếp theo trên mâm trong các lần ăn kế tiếp.Tuy có nhiều loại lá như vậy, nhưng mỗi lần ăn, bạn chỉ nên cho từ 7 đến 10 loại lá để gỏi cuốn dễ cầm và vừa miệng hơn.
Thoạt tiên, bạn sẽ cảm thấy món gỏi lá không có gì đặc biệt, thế nhưng khi đã thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của các loại lá khi hoà quyện vào nước chấm đặc biệt. Vị đắng, chua, bùi, chát của các loại lá khi hoà quyện với vị đậm đà của thịt, tôm hay chút cay nồng của tiêu ớt đã khiến món ăn hài hoà vô cùng. Nếu có dịp ghé thăm Kon Tum, bạn đừng quên thưởng thức món ăn tinh hoa bậc nhất của núi rừng Tây Nguyên này nhé.
Bình luận