Thời gian qua, dư luận Trung Quốc đã lên án và chỉ trích gay gắt nhiều phụ huynh “lừa dối và tham lam” khi cố tình “làm hộ” con em mình nhiều hạng mục trong các đề tài giành giải thưởng cao tại các cuộc thi về khoa học ở nước này.
Đỉnh điểm sự việc là vào tháng 7/2020, Ban tổ chức các cuộc thi Sáng tạo, Khoa học và Công nghệ của thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC) đã tước giải Ba được trao cho đề tài “Công trình nghiên cứu về gen đối với bệnh ung thư đại trực tràng” của một học sinh tiểu học tại tỉnh Vân Nam.
Ban tổ chức đã phát hiện ra bài thi hoàn toàn được thực hiện bởi bố của em, một chuyên gia về ung bướu tại Viện động vật học Côn Minh. Trước sức ép của dư luận, vị phụ huynh này đã phải xin lỗi công khai về hành động của mình. Ông bày tỏ sự hối hận vì đã “không tuân thủ quy định của cuộc thi” và “tham gia quá đà” vào bài nghiên cứu của con trai mình.
Tuy nhiên đó chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp có “dấu hiệu bất thường” được đưa ra ánh sáng.
Dư luận Trung Quốc tiếp tục đưa ra trường hợp của 2 học sinh đã giành giải Ba trong một cuộc thi nghiên cứu cấp quốc gia năm 2017. Đề tài được trao giải của các em là "Các sản phẩm chiết xuất từ lá trà xanh có thể giúp chống ung thư gan". Điều đáng nói là, bố của 2 em là một giáo sư tại Đại học Vũ Hán và là một chuyên gia về các bệnh gan.
Người cha phủ nhận cáo buộc và khẳng định không can thiệp vào nghiên cứu của các con, đồng thời Hiệp hội khoa học và công nghệ Vũ Hán đã công bố 2 em học sinh được tự đề ra ý tưởng và tiến hành nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, với mức độ “phức tạp cấp độ cao” của nghiên cứu, thật khó để tin rằng nó được hoàn thành từ 2 học sinh tiểu học.
Mặc dù hầu hết các vụ việc nói trên mới chỉ dừng lại ở mức độ nghi ngờ nhưng có một "quy luật chung" là những học sinh đạt giải thưởng đều là con của các chuyên gia khoa học trong lĩnh vực mà học sinh đó nghiên cứu. Sự “trùng hợp ngẫu nhiên” này khó có thể xem là hợp tình hợp lý.
Truyền thông Trung Quốc đặt ra vấn đề cần tổ chức một cuộc thanh tra trên diện rộng tình trạng gian lận trong khoa học nói trên, nhất là khi nó tác động trực tiếp đến trẻ em. Nếu ngay từ nhỏ các em đã làm quen với gian lận thì hậu quả trong tương lai là vô cùng to lớn.
Hàng năm, Trung Quốc tổ chức hàng chục cuộc thi dành cho học sinh để tìm kiếm tài năng trong nhiều lĩnh vực khoa học với số tiền lớn từ các nhà tài trợ. Tuy nhiên, phần đa nghiên cứu đoạt giải đều thuộc về “con nhà nòi". Học học sinh “ngoại đạo” hoặc gia đình bình thường không có cơ hội chen chân vào các giải thưởng dành cho các “thần đồng” hay “khoa học gia nhí” tại Trung Quốc.
Bình luận