THƯƠNG VỤ M&A KINH ĐIỂN
M&A (viết tắt của Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại)) là hình thức sáp nhập hoặc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp để kiểm soát doanh nghiệp đó.
Vicostone khi mới thành lập có tên gọi là Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex. Sự lột xác và thăng hoa của Vicostone gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch HĐQT Hồ Xuân Năng. Thời điểm ông Năng tiếp nhận Vicostone năm 1999-2001,công ty này liên tục làm ăn thua lỗ và đang đứng bên bờ vực phá sản. Với tầm nhìn chiến lược, ông Hồ Xuân Năng nhanh chóng nhận ra nguyên nhân là định hướng thị trường sai khi phục vụ thị trường nội địa. Ông thay đổi hướng kinh doanh sang nhập khẩu nguyên liệu, áp dụng công nghệ được chuyển giao độc quyền từ Breton để sản xuất đá ốp lát nhân tạo.
Từ năm 2004, Vicostone tập trung vào mảng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năm như Úc, Bắc Âu và một số nước châu Á. Đây là bước đi đột phá mang lại chuỗi tăng trưởng liên tiếp những năm sau đó cho Vicostone. Năm 2007, Vicostone bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX và chinh phục thị trường Mỹ.
Đến năm 2014, dấu mốc cho sự bùng nổ của Vicostone là khi HĐQT của công ty quyết định đưa Vicostone trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa).
Tháng 8/2014, đại hội cổ đông bất thường của CTCP Vicostone (VCS) đã thông việc tái cấu trúc công ty và chấp thuận Vicostone trở thành công ty con của Phenikaa bằng việc bán 58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai cho Phenikaa. Cổ phiếu Vicostone đã tăng gấp đôi trong tháng 8 và 9/2014 trước việc trở thành công ty con của Phenikaa.
Người đứng sau kịch bản của thương vụ sáp nhập đình đám này không ai khác chính là ông Hồ Xuân Năng.
Đến tháng 12/2014, được sự ủng hộ của HĐQT, bước đi tiếp theo của ông Năng (lúc này đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone) là mua lại phần vốn góp tại Phenikaa. Ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng hoàn thành việc sở hữu 54 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn điều lệ của Phenikaa.
Năm 2015, sau khi hoàn tất tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành, Vicostone chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay như tổng doanh thu tăng 25,7%; lợi nhuận sau thuế tăng 90,7% so với năm 2014.
Giai đoạn 5 năm 2014-2018 là giai đoạn hoàng kim của Vicostone. Tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu và lợi nhuận trước thuế của giai đoạn này tương ứng đạt mức gần 30% và 80%. Cổ tức bằng tiền chi trả hàng năm trong giai đoạn này đạt mức từ 20% đến 40% - một mức khá cao so với trung bình thị trường ngành vật liệu xây dựng nói riêng và thị trường chứng khoán Việt nam nói chung vào thời điểm ấy.
Năm 2018, doanh thu của Vicostone đạt hơn 4000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1000 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu năm 2013 chỉ ở mức hơn 1000 tỷ đồng với lợi nhuận vỏn vẹn gần 70 tỷ đồng. Trước thời điểm M&A năm 2014, giá cổ phiếu của công ty chỉ khoảng 7 nghìn đồng thì ngày 3/4/2018 lên mức 263 nghìn đồng, tăng gấp 37 lần. Bản thân ông Hồ Xuân Năng cũng là nhân vật lọt top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán với tài sản ròng 8,4 nghìn tỷ đồng (số liệu năm 2019).
QUAY VỀ THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA VÀ MỞ RỘNG SANG MẢNG GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO NHÂN TÀI
Năm 2018, Vicostone quyết định tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Trong xây dựng, sử dụng đá tự nhiên vẫn là xu hướng tiêu dùng chính tại thị trường Việt. Điều này tạo cơ hội cho Vicostone nắm lấy cơ hội tiên phong, dẫn dắt thị trường.
Năm 2019 - 2020 là năm chứng kiến những “cú sốc” lớn với kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 hoành hành, nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, cuộc chiến giá dầu với dấu hiệu của cuộc khủng hoảng dầu mỏ đồng thời kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài. Nhận định được tình thế này, ông Hồ Xuân Năng tiếp tục có những bước thay đổi thích ứng với hoàn cảnh thực tế mang tính định hướng cho tương lai.
Từ những năm 2008- 2009, chủ tịch Hồ Xuân Năng đã dự định đầu tư vào một trường Đại học và đến năm 2017 – 2018, ông đã hoàn thành mua lại toàn bộ cổ phiếu của Trường Đại học Phenikaa.
Trường ĐHPhenikaa có diện tích gần 14 ha, tọa lạc tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội vốn có nguồn gốc là Trường đại học Thành Tây (thành lập năm 2007) và được tập đoàn Phenikaa mua lại năm 2017.
Tính tới tháng 3/2019, cơ cấu tổ chức của Trường gồm có 5 Phòng, 1 Ban, 13 Khoa, 3 Viện và 1 Trung tâm nghiên cứu. Ba viện nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn bao gồm Viện nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI), viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa (PIAS), Viện nghiên cứu nano (PHENA).
Tập đoàn Phenikaa dự kiến rót 1.600 tỷ đồng để đưa Trường Đại học Phenikaa, trong vòng một thập niên nữa phải là một đại học có hàm lượng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cao, trở thành một trong những trường đại học đa ngành hàng đầu của Việt Nam dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thực hành.
Bình luận