Trong tiếng Trung, hoành thánh viết là 馄饨 (đọc là húntún, húntun hoặc một số vùng phía nam sẽ đọc là húndùn). Nếu bạn nào học tiếng Trung sẽ thấy, nếu đọc theo cách cuối cùng, hoành thánh sẽ phát âm giống một từ khác là 混沌 (hùndùn) với nghĩa hỗn độn, thời kỳ hỗn mang.
Thực ra, ngay từ đầu khi hoành thánh được phát minh, chính bởi vẻ ngoài được gói chẳng chút kỹ xảo của nó nên người ta đã dùng từ 混沌 để đặt tên, sau dựa trên cách tạo chữ Hán, thay bộ thủy phía trước bằng bộ thực - chỉ đồ ăn, mà thành cách viết như hiện tại.
Còn sủi cảo tiếng Trung là 水饺/饺子 (shuǐjiǎo/jiǎozi), xuất hiện sau hoành thánh. Có thể nói, sủi cảo là một phát triển khác của hoành thánh. Về cơ bản, sủi cảo cũng có lớp vỏ bột mì, nhân rau, thịt.
Hoành thánh có vỏ gói bánh hình vuông, bột mỏng; nhân thường chỉ gồm một tới hai loại thường gồm thịt heo, tôm, rau. Hoành thánh thường có kích cỡ nhỏ, có nhiều cách gói và cách gói rất đơn giản. Theo đó, với cách gói đơn giản nhất người ta sẽ cho nhân vào giữa rồi gấp đôi tấm vỏ thành hình tam giác. Cầu kỳ hơn, người gói sẽ thêm một bước gấp mép bánh tạo thành hình vương miện hay túm 4 góc vỏ bánh làm thành hình chóp...
Người Trung Quốc thường ăn hoành thánh với canh, sau khi đã múc ra bát thì thả hành lá, rau thơm, trứng cắt sợi hoặc sợi rong biển để dậy mùi. Một bát hoành thánh vào sáng sớm se se lạnh không ai có thể chối từ.
Sủi cảo lại khác, vỏ gói sủi cảo hình tròn, bột dày hơn hoành thánh; nhân cũng đa dạng phong phú nhiều loại, có chay có mặn. Kích thước sủi cảo lớn hơn hoành thánh và các cách gói cũng có thể coi là dễ nhìn hơn, đẹp hơn, mất thời gian hơn một chút.
Sủi cảo có nhiều cách ăn, có thể hấp, luộc, chiên. Nếu như hoành thánh ăn với canh thì người Trung Quốc ăn sủi cảo với nước chấm. Nước chấm thường là loại giấm đen Trung Quốc (cũng khác với Việt Nam, giấm tại Việt Nam màu trắng), hoặc có thể pha chế giữa nước tương, giấm, ớt...
Dù đều là những món ăn nổi tiếng và phổ biến nhưng hoành thánh và sủi cảo có "phân khúc" thực khách khác nhau. Trong khi người miền Bắc Trung Quốc thích ăn sủi cảo, thì người miền Nam lại thích hoành thánh hơn. Lí do chủ yếu là do khác biệt văn hóa, địa lý và khí hậu.
Người miền Bắc Trung Quốc vóc dáng cao to, tính cách hào sảng. Nếu chỉ đưa họ một bát hoành thánh, thật là ăn chẳng đủ no vì họ quen ăn to nói lớn. Đối với họ, nếu ăn hoành thánh thì chỉ là lót bụng, chứ không thể đủ no được, ăn sủi cảo mới là no thật. Ngoài ra, người miền Bắc thường ăn các món làm từ bột mì, nên vỏ bánh sủi cảo càng dày họ lại càng thích. Sủi cảo cũng dễ bảo quản hơn trong điều kiện thời tiết phương Bắc.
Còn người miền Nam vóc dáng nhỏ nhắn, mảnh dẻ nên hoành thánh là đủ với họ. Họ cũng thích ăn hoành thánh vì có cả canh, chứ không chỉ riêng bánh. Khí hậu miền Nam cũng nóng hơn nên không quá thích hợp để bảo quản đồ ăn lâu dài, họ có thói quen gói xong ăn ngay, mà ăn ngay thì cỡ nhỏ nhỏ sẽ dễ ăn hết hơn cỡ lớn.
Hoành thánh cũng là một thành phần không thể thiếu của món mì vằn thắn. Chính xác mì vằn thắn cần có mì và những miếng hoành thánh, có điều hoành thánh trong bát mì này thường to, dày hơn một chút so với hoành thánh thường. Món này trong tiếng Trung là 云吞面, từ 云吞 âm Hán là “vân thôn”, nghe khá thi vị nhưng trong tiếng Quảng, phát âm của từ này 云吞(wuen tuen)lại chính là hoành thánh.
Mì vằn thắn cũng là một trong những món ăn vô cùng phổ biến và được ưa thích của Trung Quốc. Tại Việt Nam, mì vằn thắn cũng theo chân những Hoa kiều khi di cư đến Việt Nam mà dần trở thành món ăn hấp dẫn, có vị trí riêng.
Bình luận