Vịt quay Bắc Kinh, đậu hũ Tứ Xuyên, mì khô nóng Vũ Hán, thịt Đông Pha, mì Lan Châu… là những món ăn khiến nhiều người muốn thử khi có dịp đến Trung Quốc. Bên cạnh đó, nền ẩm thực phong phú của đất nước này còn có những món ăn có cái tên và cách chế biến độc đáo như tôm “say rượu”.
Tôm “say rượu” (醉虾) là một món ăn thường xuất hiện trong các bữa nhậu, đặc biệt là những vùng ven biển Trung Quốc. Để làm được tôm “say rượu”, người ta sẽ sử dụng loại tôm nước ngọt. Tuỳ vào từng vùng hay từng quán ăn mà họ sẽ lựa chọn loại tôm khác nhau, tuy nhiên món ăn này ngon nhất khi được làm từ loại tôm he. Tôm he có ở hầu hết các mùa trong năm và ngon nhất là vào khoảng tháng 9 hàng năm. Loại tôm này có lớp vỏ cứng vừa phải, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh và khá chắc thịt.
Món tôm “say rượu” có cách làm khá đơn giản, tôm sau khi mua về sẽ được mang đi rửa sạch, ngâm và thay nước liên tục trong nhiều ngày để hết chất bẩn, bùn đất. Tiếp đó, người ta sẽ mang tôm đi cắt bớt râu, càng và để trong một chiếc nồi ướp lạnh và đổ trực tiếp rượu mạnh vào tôm. Thông thường, đầu bếp sẽ sử dụng loại rượu Thiệu Hưng với nồng độ cồn 50 để làm món tôm “say rượu”.
Bên cạnh rượu Thiệu Hưng, người chế biến sẽ cho thêm một số loại gia vị như tỏi tươi, gừng, hành lá thái nhỏ… để khử mùi tanh của tôm và cũng khiến món ăn có mùi thơm đặc trưng. Tuỳ vào yêu cầu và khẩu vị của khách mà họ sẽ cho đường, giấm, xì dầu và muối theo những tỉ lệ phù hợp.
Lúc này, tôm bắt đầu “say rượu” và giãy giụa nên đầu bếp thường phải đậy nắp lại để tránh làm tôm nhảy ra ngoài. Cũng nhờ vậy mà giúp rượu và các gia vị ngấm vào tôm đều hơn. Sau 15 phút, tôm sẽ mềm ra, “say hẳn” và không còn nhảy nữa thì cũng là lúc chúng được mang ra và ăn cùng nước sốt chua ngọt sánh quyện đã chuẩn bị sẵn.
Cũng có nhiều nơi người ta cho mồi lửa vào rượu đốt trong 15 đến 30 giây cho đến khi tôm chuyển màu thì mang ra cho khách sử dụng. Nhờ được làm chín trong nhiệt độ vừa và thời gian ngắn nên món tôm “say rượu” không mất đi độ ngọt tự nhiên.
Tuy là một món ăn có hương vị hấp dẫn, thế nhưng tôm “say rượu” cũng là món ăn khiến nhiều người yếu bụng không dám động đũa vào vì cách chế biến gần như còn sống này có thể tiềm ẩn nguy cơ dị ứng hoặc ngộ độc. Nếu không thể ăn sống hoặc nướng xổi, bạn có thể nhờ người chế biến mang tôm đi luộc trong thời gian vừa phải trước khi ăn để đảm bảo sức khoẻ.
Bình luận