Đội bóng Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ giải tán. Tổng khoản tiền nợ lót tay hợp đồng và nợ lương, thưởng của hàng loạt cầu thủ vẫn còn gắn bó lẫn đã ra đi được cho rằng lên đến 70 tỉ đồng, mỗi cầu thủ bị nợ đọng nhiều khoản khác nhau.
Trên trang Facebook của mình, cầu thủ Nghiêm Xuân Tú chia sẻ:
"Có thể nói thanh xuân của tôi, những tháng ngày tươi đẹp nhất trong sự nghiệp của tôi đã dành trọn cho nơi này. Tôi đã từng nhiều lần từ chối những lời mời hấp dẫn từ nhiều đội bóng khác, cả những cơ hội được chơi bóng ngay tại Hà Nội gần nhà để nghe theo tiếng gọi trái tim, nghe theo những lời hứa ở lại cùng nhau chia sẻ , giúp đội vượt qua giai đoạn này. Chúng ta đã ở bên nhau từ những lúc vinh quang, những lúc khó khăn, cả những lúc nhận nhiệm vụ giải cứu cho 1 đội bóng khác, cho đến tận những ngày cuối cùng. Giờ đây, tiền có thể tôi sẽ mất, có lúc tôi nghĩ thôi 2 năm qua coi như tôi đi đá phủi đi cho nhẹ nhàng, nhưng đến nay cái việc hợp tình hợp lý nhất, cái việc để tôi vớt vát lại chút niềm tin cuối cùng là giải thoát cho nhau tìm chân trời mới, tìm tương lai để lo cho cuộc sống… cũng chưa giải quyết được.
Tôi sắp bước sang tuổi 33, có thể nói là đã già trong giới cầu thủ. Mọi thứ, tình cảm, niềm tin, sự nhiệt huyết, cống hiến, trung thành tôi đã trao trọn... CLB đã tạm dừng hoạt động, cầu thủ được thông báo là sẽ không có lương cho đến khi hoạt động lại. Vậy còn lý do gì mà CLB chưa giải phóng cho tôi cũng như những anh em cầu thủ khác để họ sớm lo cho tương lai? Tôi chỉ mong đến phút cuối cùng chúng ta vẫn sẽ dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, êm đềm và nghĩa khí, như những ngày đầu tiên chúng ta đến với nhau".
Chuyện cầu thủ Than Quảng Ninh viết tâm thư "đòi nợ", đòi lương đã trở thành... chuyện thường, đã xảy ra quá nhiều lần. Còn lần này, tâm sự tha thiết và chất chứa nhiều nỗi niềm của Xuân Tú, mấu chốt là điều gì? Cái mà Nghiêm Xuân Tú nói rằng "tiền có thể tôi sẽ mất" nhưng việc "hợp tình hợp lý, giải thoát cho nhau", điều mà cầu thủ nói đến "nghĩa khí" là điều gì?
Đó chính là giấy thanh lý hợp đồng.
Theo qui định, cầu thủ phải có giấy thanh lý hợp đồng của đội bóng cũ mới có thể kí hợp đồng với đội bóng mới. Thiếu giấy thanh lý hợp đồng, cầu thủ như bị "trói chân", chẳng thể nào đi thương lượng tìm bến đỗ mới cho dù đội bóng cũ có còn tồn tại hay hoạt động nữa hay không.
Theo tìm hiểu, mới chỉ có duy nhất tiền vệ Nguyễn Hải Huy là có trong tay được tấm giấy này từ đội bóng Than Quảng Ninh, và anh hiện đã có thể xúc tiến thương thảo tìm đội bóng mới. Một số cầu thủ như trường hợp của Nghiêm Xuân Tú sẵn sàng chấp nhận cả mất không đòi được số tiền còn nợ, nhưng muốn có giấy thanh lý hợp đồng, và đều chưa có.
Mạc Hồng Quân hiện đang cùng gia đình đi nghỉ tại Tây Ban Nha rồi sẽ trở về Cộng hòa Séc. Hồng Quân có thể đỡ gánh nặng tiền bạc hơn nhiều cầu thủ khác nhưng cũng không thể liên lạc được với người có trách nhiệm tại đội bóng Than Quảng Ninh để hỏi về giấy thanh lý hợp đồng.
V-League mùa giải năm nay đã dừng lại, các đội bóng đều tạm nghỉ và mùa bóng sau sẽ còn một thời gian dài nữa mới khởi động. Tuy nhiên, trong tình cảnh khó khăn của bóng đá Việt Nam hiện nay thì các cầu thủ đều hiểu rằng ngày càng ít cơ hội để có thể tìm ra một đội bóng mới để ổn định sự nghiệp. Chính bởi vậy, việc không có giấy thanh lý hợp đồng khiến các cầu thủ của Than Quảng Ninh vô cùng lo ngại về tương lai của mình.
Trường hợp như của Đặng Văn Lâm có thể đơn phương kí hợp đồng và sang thi đấu cho Cerezo Osaka khi Muangthong United chậm trả 2 tháng lương được viện dẫn để tham khảo cho các cầu thủ Than Quảng Ninh. FIFA có qui định khi đội bóng chủ quản vi phạm hợp đồng và chậm trả lương thì cầu thủ hoàn toàn có thể tự tìm đội bóng mới, đội bóng vi phạm thậm chí còn bị phạt.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam luôn có những đặc thù riêng. Các cầu thủ còn có thể sẽ phải đền bù cả hợp đồng cũ (dù bị nợ lót tay, lương thưởng) khi muốn chuyển đi. Một số cầu thủ Quảng Ninh hiện đang ở tình trạng khổ sở, cho dù họ có những năm tháng cống hiến mang lại rất nhiều niềm vui cho người hâm mộ bóng đá đất Mỏ.
Bình luận