Hủ tiếu là một trong những món ăn tiêu biểu của vùng Nam Bộ. Từ hạt gạo, qua nhiều công đoạn ngâm, xay, tráng, hấp, phơi, cắt sợi, những sợi hủ tiếu dai ngon đã ra đời và là nguyên liệu không thể thiếu của những món ăn hấp dẫn của người miền Nam.
Dù hủ tiếu là món phổ biến ở nhiều vùng miền, nhiều tỉnh làm được, nhưng nói đến hủ tiếu, nổi tiếng nhất vẫn là hủ tiếu Mỹ Tho.
Hủ tiếu Mỹ Tho là một đặc sản mang tính biểu tượng của Tiền Giang. Theo nhiều người, món hủ tiếu này xuất hiện ở Mỹ Tho khoảng đầu thập niên 60 và từ các xe bán đồ ăn ven đường trải dài từ Mỹ Tho đến Gò Công. Khi ấy, chủ nhân các xe hủ tiếu Mỹ Tho thường là người Việt gốc Hoa nhưng sợi hủ tiếu lại được người Việt sản xuất.
Nếu như món hủ tiếu của nhiều khu vực khác thường có đặc điểm là sợi, mềm thì hủ tiếu Mỹ Tho lại rất khác biệt với đặc điểm sợi nhỏ, dai, giòn. Sở dĩ như vậy là do sợi hủ tiếu Mỹ Tho được làm từ loại gạo Gò Cát nổi tiếng của đất lúa Mỹ Phong. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho không bị lẫn với những món hủ tiếu quen thuộc khác.
Ngoài phần sợi dai ngon đặc biệt, hủ tiếu Mỹ Tho còn nổi tiếng bởi thứ nước lèo ngon ngọt, nấu rất kỳ công. Theo đó nước lèo của hủ tiếu Mỹ Tho sẽ được ninh kĩ bằng xương ống heo, sườn non, tôm khô, củ cải… và nhiều nguyên liệu khác.
Mỗi quán hủ tiếu Mỹ Tho lại có những công thức, bí quyết khác nhau nên nước lèo cũng có sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên nước lèo ở các quán hủ tiếu Mỹ Tho có điểm chung là đều đậm đà, trong, ngọt thanh vị xương heo, tôm khô… Cũng chính thứ nước lèo này làm nên vị ngon khiến người đã ăn hủ tiếu Mỹ Tho sẽ nhớ mãi, dẫu cho nhân tô hủ tiếu chỉ gồm nắm hủ tiếu trụng vừa tới cũng như vài lát gan heo, thịt băm...
Để hủ tiếu ngon, quán sẽ có bí quyết riêng khi chế biến. Khi có khách đến quán, người ta sẽ trụng sợi hủ tiếu khô trong một nồi nước sôi. Trong quá trình này, họ phải xóc liên tục để sợi hủ tiếu chín nhưng không bị dính vào nhau, đồng thời hủ tiếu chỉ trụng vừa tới để sợi không bị quá chín khi chan nước lèo.
Sau khi cho hủ tiếu ra bát, tuỳ vào sở thích và khẩu vị mà người ta sẽ thêm vào thịt heo băm nhỏ, thịt heo thái mỏng, sườn, tôm, mực hay gan heo, trứng cút luộc… Tiếp đó, người bán sẽ chan vào bát hủ tiếu Mỹ Tho phần nước dùng nghi ngút khói và rắc vào bát một chút tóp mỡ, hành phi, hẹ... Bên cạnh món hủ tiếu nước, bạn cũng có thể thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho khô với sợi hủ tiếu được trộn cùng gia vị và có kèm theo một bát nước dùng nóng hổi.
Theo thời gian, bên cạnh món hủ tiếu xương thịt phổ biến ban đầu, hủ tiếu Mỹ Tho giờ đã đa dạng hơn rất nhiều với các loại như hủ tiếu xương, hủ tiếu thập cẩm, hủ tiếu sa tế hay cả hủ tiếu chay đa dạng. Nhờ thế việc chiều thực khách cũng trở nên đơn giản hơn.
Bạn có thể thêm vào tô hủ tiếu Mỹ Tho một chút giá sống hay các loại rau sống như ngò gai, cải… Tại mỗi bàn ăn, thực khách sẽ thấy quán bày khá nhiều các chai, lọ như nước tương, tương ớt, nước mắm, tương đen và chanh, ớt thái lát… Bạn có thể tự nêm nếm lại cho món ăn tròn vị và đậm đà hơn.
Là món ăn đặc sự, hủ tiếu Mỹ Tho đã được bình chọn là một trong mười món đặc sản Việt Nam và lọt top 100 món ăn trứ danh của ẩm thực châu Á. Với sự hấp dẫn của mình, hủ tiếu Mỹ Tho đã sớm vượt khỏi ranh giới của tỉnh Mỹ Tho để xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, vùng miền khác. Dù ở các nơi có thể hủ tiếu Mỹ Tho có thể có chút khác biệt về hương vị nhưng những sợi hủ tiếu mềm dẻo là điều không thay đổi.
- Hủ tiếu Tuyết Ngân – 481 Ấp Bắc, phường 5, thành phố Mỹ Tho
- Hủ tiếu Mỹ Tho Hạnh – 21/1 Nguyễn An Ninh, phường 8, thành phố Mỹ Tho
- Hủ tiếu 43 – 43 Ấp Bắc, phường 10, thành phố Mỹ Tho
- Sa tế Tuyết63 Trần Quốc Toản, thành phố Mỹ Tho
Bình luận