Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 8 đến tháng 11 là thời điểm khu vực miền Tây Nam Bộ bước vào mùa nước nổi. Khi ấy, những cánh đồng mênh mông ở nhiều tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… lại được bồi đắp thêm phù sa màu mỡ.
Đặc biệt, mùa nước nổi còn là thời điểm để người ta thưởng thức nhiều sản vật đặc trưng của vùng đất này như cá linh, bông điên điển, cua đồng, bông súng… Cũng từ những đặc điểm và nguồn nguyên liệu trù phú mà mùa nước nổi mang đến nên miền Tây mùa nước nổi có rất nhiều đặc sản.
Bên cạnh những món ăn như lẩu mắm, bông súng mắm kho… thì người dân Tây Nam Bộ còn có món lẩu cá linh bông điên điển vào mỗi mùa nước nổi.
Nguyên liệu chính của món đặc sản miền Tây này tất nhiên là cá linh và bông điên điển - những đặc sản mùa nước nổi miền Tây. Nhưng ngoài ra món lẩu đặc biệt này còn có thêm nhiều nguyên liệu khác như nước dừa, ngò gai, tỏi băm… hay các gia vị nước mắm, hạt tiêu, bột ngọt, ớt sừng…
Lẩu cá linh bông điên điển không hẳn là món kì công và cái hay là có thể tùy biến khá linh hoạt.
Linh hồn nồi lẩu cá linh bông điên điển, cá linh càng tươi thì lẩu càng ngon. Vào mùa nước nổi, nhưng con cá linh tươi roi rói, lấp lánh ánh bạc sẽ luôn được các bà nội trợ săn đón. Sau khi được sơ chế sạch sẽ và để ráo nước, cá linh sẽ được mang đi chà cùng một chút muối để khử mùi tanh. Tiếp đó, cá linh được ướp cùng một chút gia vị để thêm con cá thêm đậm đà.
Nước dùng của món lẩu này khá đặc biệt, thường người ta sẽ dùng nước hầm xương heo để chế nước lẩu. Nhưng nếu muốn nhưng chóng hơn, hoàn toàn có thể thay nước dừa để nấu. Ngoài ra trong nước lẩu cá linh luôn cần có nứớc mắm ngon, cốt me dầm, xíu dường. Đặc biệt, để món lẩu ngon hơn, họ còn cho thêm tỏi phi, lá rau ngò gai và cả tóp mỡ.
Còn với bông điên điển, sau khi hái về sẽ được mang đi nhặt bỏ cọng, rửa sạch và để cho ráo nước. Ngoài ra, người ta còn chuẩn bị thêm bông súng, bông so đũa và nhiều loại rau đặc trưng khác của miền Tây để ăn lẩu cá linh. Sau khi đã chuẩn bị xong, những rổ rau mơn mởn này được ngâm cùng một chút nước muối rồi mới được cắt thành khúc vừa ăn.
Vì vừa nhỏ vừa mềm nên cá linh rất nhanh chín, bạn nên chờ cho nồi lẩu sôi thì mới cho vào để tránh làm cá bị mềm và nát. Với bông điên điển cũng vậy, khi nhúng vào nồi lẩu một chút thì nên vớt ra ngay để rau không bị nhũn quá và vẫn còn giữ lại chút chát nhẹ ở hậu vị.
Món lẩu cá linh bông điên điển thường được ăn kèm bún và chấm cùng một chút nước mắm ớt cay cay. Nếu có dịp ghé qua các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang… mùa nước nổi, lẩu cá linh bông điên điển chắc chắn là món ăn mà bạn không nên bỏ qua. Nổi lẩu đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng nhẹ chắc chắn sẽ rất khó quên.
Bình luận