Hương vị tình thân tập 37 phần 2 mở đầu bằng khung cảnh trò chuyện đầm ấm, vui vẻ giữa ông Khang, bà Xuân và vợ chồng Long - Nam. Đang mải đàm đạo về nồi nước lá khế thì cụ Dần xuất hiện và chuẩn bị đi đường quyền với “con hồ ly tinh”. Nam nhanh trí đưa bà Xuân về đúng danh phận của mình – mẹ Sửu Nhi – tức bà thông gia với cụ Dần, khiến cụ thay đổi thái độ, nền nã, nhã nhặn hẳn. Có lẽ từ nay bà Xuân không còn phải lo cho mái tóc suôn mượt, óng ả của mình nữa rồi.
Những tập gần đây, bệnh của cụ Dần ngày càng nặng. Khán giả thì “tẩu hỏa nhập ma” vì Nam từ cháu dâu trở thành con gái của bà nội chồng, từ con dâu trở thành chị gái của bố chồng. Bà Xuân đang là con dâu trở thành bà thông gia với mẹ chồng. Thực sự là… hết nước chấm.
Đồng ý rằng với một cô bé sinh viên, đi làm thêm, có một anh "Big Boss" vừa đẹp trai, tâm lý, luôn biết cách quan tâm như Huy, trái tim của Dương không tránh khỏi những rung động với tần số khó kiểm soát. Tuy nhiên, có vẻ cô bé đã đọc ngôn tình hơi nhiều hoặc do bản năng là một người thiếu sự tinh tế mà cách tỏ tình của cô thật khiến người ta… chạy mất dép. Đặc biệt là với một người đàn ông chừng mực và bản lĩnh như Huy.
Có lẽ từ bé đến lớn, Thy bận mải việc chạy đua về điểm số và nghĩ cách làm sao để mình luôn là số một nên không chịu xem phim gì cả. Hằng bao nhiêu cuộc cãi vã xảy ra khi nữ chính chỉ xem được một nửa cảnh tượng rồi dằn dỗi bỏ đi, trong khi màn hay thì lại ở phía sau.
Chứng kiến cảnh em tiểu tam cưỡng hôn chồng mình, Thy quay lưng bước đi mà không thèm nán lại xem phản ứng của Huy. Nếu như Huy nồng nhiệt đáp lại thì nhanh tay chụp ảnh để đó sẽ là “những bằng chứng chống lại anh trước tòa”. Rất tiếc, Huy đã từ chối em gái mưa nhưng Khánh Thy với sự kiêu ngạo của mình đã không có cơ hội nhìn thấy bản lĩnh của chồng.
Thy đã tự mình tuyên án Huy nhưng vẫn cố hỏi “Anh đi đâu về đấy?”. Phụ nữ buồn cười thật, trong trường hợp này, người đàn ông trả lời thế nào cũng là đi vào chỗ chết. Huy biết thừa mình nói dối không được mà nói thật cũng không xong. Mọi lời nói lúc nãy sẽ trở nên vô nghĩa, giải thích thì thành ngụy biện mà im lặng thì cũng thành “không có gì để giải thích”. Vì vậy, đã không tin, thì đừng có hỏi, chỉ làm khổ cả hai người mà thôi.
Dù đã được Long cảnh báo về việc để Huy và Thy tự xử lý vấn đề của riêng mình nhưng bà Xuân vẫn muốn trở thành "nhịp cầu nối những bờ vui". Thật tiếc, bà lại chọn sai người, lại càng sai thời điểm.
Buổi sáng, lúc con người ta cần sự minh mẫn, tỉnh táo, thoải mái nhất để chuẩn bị tâm lý và năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả, mẹ chồng Xuân mang hoa quả và nước ép lên tận phòng cho con dâu Thy. Được mẹ chồng chăm sóc, quan tâm là niềm mơ ước của biết bao cô con dâu. Giá mà bà Xuân chỉ dừng lại ở hành động đẹp như chính bộ váy của bà thì có lẽ Thy đã có một ngày thật dễ chịu. Nhưng không, bà không chỉ muốn là một người chu đáo, bà còn muốn vào vai một người mẹ sâu sắc.
Bà Xuân là một người suy nghĩ rất đơn giản. Bà nghĩ rằng việc khen con trai mình sẽ giúp con dâu nhìn ra giá trị của Huy mà suy nghĩ về bản thân. Nhưng bà Xuân quên mất rằng, bà không muốn đặt mình vào vị trí của Thy để suy nghĩ, thông cảm và thấu hiểu thì không phải người phù hợp Thy để chia sẻ.
Bà Xuân lại tiếp tục thể hiện mình đích thị là một cái “cơi đựng trầu” khi kể ra những điều không hài lòng về Thy như bỏ nhà đi, bỏ bê nhà cửa, không sinh em bé… và đỉnh điểm nhất là so sánh Thy với Nam.
Vì sao cùng là việc so sánh, phản ứng của Thy với ông Khang và bà Xuân lại khác nhau? Đơn giản vì bà Xuân không phải là một tấm gương mẫu mực để có thể lên án Thy. Ai là người bỏ nhà đi khi cụ Dần nằm viện? Ai là người bỏ bê gia đình và mang về rất nhiều rắc rối vì tham gia cuộc thi “Hương sắc thời gian”? Tuy Thy không nói ra, nhưng một người chưa làm tròn vai trò của một người dâu con, người vợ như bà Xuân, thốt ra những lời đó thật khó thuyết phục.
Vậy nên, muốn dạy người khác thì trước tiên mình phải làm gương và nếu muốn chia sẻ với ai thì phải đặt mình vào vị trí của họ.
Nam không phải người né tránh những mâu thuẫn. Cô luôn lựa chọn cách chiến đấu trực diện, thậm chí giáp lá cà. Nhận thấy thái độ mặt nặng mày nhẹ, có phần khó chịu của Thy mỗi khi thấy mình, Nam thẳng thắn muốn ngồi lại nói chuyện như... hai người đàn ông. Nhưng thật tiếc, Thy chỉ thích đàn ông chứ không phải quân tử nên không có gì để nói với Nam.
Khi Nam vẫn đang ngẩn ngơ vì thái độ của Thy thì lại được chị Sâm cho thêm ít gia vị để câu chuyện thêm phần thi vị. Nhưng Nam đâu có phải người thường, cô dằn mặt “tổ trưởng tổ chim lợn” một cách rất chân thành và dứt khoát. Thay vì đi nói xấu sau lưng, hãy “trình bày thẳng thắn” những điều không hài lòng về nhau.
Kể ra xã hội mà ai cũng như Nam thì các tổ buôn của chị em phụ nữ giải tán hết!
Thy lại gặp Dũng để bàn tính những kế hoạch riêng của mình. Không biết xuất phát từ lòng tin đối với người thân hay do Thy coi thường Dũng không thể qua mặt được mình mà Thy muốn Dũng đứng tên cho công ty riêng của mình.
Sau vài câu chọc đúng tim đen của Thy, Dũng chốt lại “Thy nửa vời – Tham vọng nhưng không đủ tàn nhẫn”. Chuẩn, rất chuẩn. Có lẽ vì thế mà Thy luôn cô độc. Người tốt biết bản chất nên không muốn dây. Người xấu thấy Thy không đủ xấu, dễ “quay xe", nên đề phòng.
Vậy nên, muốn người khác nghĩ mình lương thiện thì hãy thực sự là người lương thiện. Đừng như Thy, xảo quyệt nhưng lại muốn xây dựng hình ảnh thánh nữ. Không ai chơi!
Bình luận