Sự thành công không ai sánh kịp của Hermès trong phân khúc phụ kiện thời trang không chỉ nằm ở những thiết kế kinh điển, mà còn là chiêu trò marketing bậc thầy. Thương hiệu xa xỉ này đã mang đến cho những "con chiên" của họ cảm giác khao khát không thể cưỡng lại đối với những món đồ biểu tượng của hãng, chẳng hạn như những chiếc túi Kelly hay Birkin.
Thế nhưng nếu quan sát thị trường túi hiệu đủ lâu, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra rằng nếu muốn sở hữu một mẫu túi Kelly hay Birkin, bên cạnh số tiền bỏ ra trực tiếp để mua chúng, bạn còn cần phải chi kha khá vào những món đồ linh tinh khác, trong đó có khăn lụa chỉ để thỏa mãn yếu tố "Khách hàng thân thiết" - một trong những điều kiện tiên quyết giúp bạn lọt vào danh sách khách hàng ưu tiên "được phép" "xếp gạch" mua túi hiệu.
Và cứ thế, những chiếc khăn lụa trở thành món phụ kiện gắn liền với túi xách trăm triệu của thương hiệu này. Có một sự thật là không phải bất kì chiếc túi xách biểu tượng nào, mà khăn lụa Hermès Carré mới chính là "best-seller" của Hermès.
Cùng 2ĐẸP tìm hiểu 9 con số tạo nền thành công của món phụ kiện này.
Năm 1937, chiếc khăn lụa đầu tiên được ra đời từ thương hiệu nước Pháp. Đây là tác phẩm của Robert Dumas - con rể của Emile-Maurice Hermès. Nếu 100 là số tuổi của Hermès thì 85 năm là số tuổi của khăn lụa tơ tằm Hermès, cho thấy đây là một trong những món phụ kiện tạo nên lịch sử của thương hiệu này.
Để những mẫu khăn lụa được đa dạng, Hermès đã kết hợp với rất nhiều họa sỹ nổi tiếng nhằm đưa các tác phẩm của họ lên mẫu phụ kiện này, trong đó có thể kể đến Kermit Oliver với 16 lần cộng tác.
90 x 90 là kích cỡ đầu tiên của Hermès Carré vì chúng phù hợp để phụ nữ có thể quàng lên cổ hoặc cột lên đầu như kiểu bà cụ. Đây là xu hướng thời trang được phụ nữ châu Âu yêu thích. Về sau, để mang đến tính ứng dụng cao hơn cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, Hermès đã ra mắt nhiều phiên bản với kích thước khác nhau:
Mất 1 năm rưỡi để hoàn thiện một chiếc khăn lụa, nhiều người cũng không nghĩ món phụ kiện này lại cần thời gian lâu như vậy để hoàn thiện. Lý do nhà sản xuất đưa ra là vì chúng đều được thực hiện thủ công và phụ thuộc vào artwork của nghệ sĩ kết hợp. Tuy nhiên, ai cũng biết đó chỉ là "chiêu trò" marketing với những lời quảng cáo khuếch đại sự khan hiếm. Dù vậy, "vì yêu vẫn đâm đầu!", biết nhãn hàng nói hươu nói vượn đấy nhưng tín đồ Hermès thì vẫn lao vào các sản phẩm như thiêu thân lao về phía ánh sáng.
Mỗi năm, Hermès sẽ cho ra mắt 12 mẫu khăn lụa khác nhau cho 1 BST.
Trung bình, mỗi mẫu khăn lụa sẽ có 27 màu khắc nhau. Nhà thiết kế sẽ mất khá nhiều thời gian cho khâu chọn màu sắc, chúng được tạo thành từ kỹ thuật kéo lụa truyền thống. Các lớp màu sẽ được kéo lần lượt, phải có thời gian nghỉ để mỗi lớp màu được hong khô trước khi đắp lớp kế tiếp. Kỹ thuật kéo lụa sẽ tạo cảm giác sống động và chân thật hơn đến từng chi tiết.
Sẽ cần ít nhất 250 kén tằm để dệt nên một chiếc khăn lụa Hermès Carré.
1000 chiếc khăn lụa thì cần 450.000 mét sợi tơ tằm, đây cũng là khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.
Năm 1959, công nương Monaco Grace Kelly đã dùng khăn lụa tơ tằm Hermès để đỡ chiếc tay bị gãy khi cô phải tham dự dạ tiệc trên du thuyền. Hơn cả sự sang chảnh, chiếc khăn này được yêu thích bởi tính thẩm mỹ, chất liệu mềm mại, dẻo dai nhưng cực kỳ bền bỉ.
Mới đây, vào khoảng cuối năm 2020, Hermès đã cho ra mắt dòng khăn lụa in 2 mặt. Mỗi mặt sẽ có sự khác biệt về thiết kế và màu sắc. Đây được coi là việc làm đúng đắn của thương hiệu, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng của chiếc khăn có giá trung bình hơn 10 triệu đồng này.
Theo ước tính, 25 giây là khoảng thời gian 1 chiếc khăn lụa Hermès Carré được bán ra - nhanh nhất trong tất cả những sản phẩm xa xỉ trên thế giới và vượt qua cả 2 mẫu túi Kelly và Birkin đình đám.
Bình luận