Khi đứa trẻ đau mà không thể nói "mẹ ơi cứu con với", đó là thất bại của những người lớn hèn nhát

Ber Đăng lúc: Thứ tư, 29/12/2021 09:10 (GMT +7)
Câu chuyện em bé 8 tuổi bị bạn gái của bố bạo hành tới mất mạng ngay trong nhà mình khiến những người lớn chúng ta phải nhìn nhận lại trách nhiệm của bản thân.
Hashtag #Nóng trên mạng xã hội #SHOWBIZ #Nhật ký showbiz

Em bé sinh năm 2013 trong một gia đình khá giả. Em sống ở khu chung cư dành cho người giàu. Nơi em sống là quận trung tâm của Sài Gòn hoa lệ. Bố em - theo thông tin từ MXH - từng đi du học về, làm việc tại một tập đoàn lớn. Nhưng em đã chết vì bị bạo hành. 

Câu chuyện bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em không còn là bản tin giật gân từ một vùng nông thôn hẻo lánh, một phòng trọ tăm tối của khu công nghiệp, một xóm nhà lá ven đô hay một gia đình thất học, dốt và nghèo. Nó xảy ra trong bối cảnh của sự no đủ, phè phỡn, hoa lệ, lung linh. Nó xảy ra trong một gia đình có vẻ như học thức và giàu có, bên những người hàng xóm đô thị có vẻ như là văn minh.

Và bởi thế, nỗi đau của đứa trẻ là tận cùng. Em bé đã bỏ mạng trong nỗi hoang mang, sợ hãi, cô độc, không điểm bấu víu. Thảm hại thay, không có một người lớn nào bên ngoài thế giới rộng lớn kia khiến em đủ tin tưởng để kêu cứu. Chết mà không thể kêu cứu thì những tháng ngày em sống đã bi kịch đến nhường nào.

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 1

*****

Theo những thông tin ban đầu, bố mẹ em bé ly hôn và mỗi người nuôi một con. Em ở với bố. Gần một năm nay, những người hàng xóm ở chung cư nơi em sống đều nghe thấy tiếng gào khóc kêu la từ em. Nó phải dữ dội thế nào mà người ta đã phải phản ánh với Ban quản lý chung cư. Nhưng phản ánh rồi thì họ cũng để đấy. Ban quản lý chung cư trả lời họ rằng "gia đình người ta đang giáo dục con cái".

Ngày qua ngày, sự việc lặp lại nhiều đến nỗi những người hàng xóm cũng mặc nhiên chấp nhận việc một ông bố bà mẹ nào đó dạy dỗ con mình bằng cách đánh đập mỗi ngày. Họ làm quen với tiếng la hét gào khóc của em. Và hình như họ có bức xúc với nhau rằng, tại sao không có ai xử lý đi nhỉ. Nhưng ai ở đây là ai?

Những người hàng xóm học thức và giàu có đã ứng xử như cách của những người dân dốt và nghèo trong cái làng Vũ Đại ở 1 vùng đồng bằng Bắc bộ nào đó những năm đầu thế kỷ XX ứng xử với anh Chí mặt sẹo. Họ tự nhủ với nhau rằng: "Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai" và tự nhủ với chính mình "chắc chừa mình ra" khi chạm đến một vấn đề đòi hỏi trách nhiệm cộng đồng. 

Chỉ khi hậu quả xảy ra, họ mới lên tiếng như sự đã rồi. Họ tố "mụ dì ghẻ" độc ác. Họ tố người cha tệ bạc. Họ tố Ban Quản lý chung cư thiếu trách nhiệm. Nhưng chẳng lẽ, một người lớn bất kỳ nào đó khi nghe thấy tiếng gào khóc la hét thảm thương của một đứa trẻ mà không tìm cách cứu nó là vô can sao?

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 2

Em bé đã khóc rất nhiều, đã kêu la rất nhiều. Tiếng gào khóc kêu la chính là tín hiệu cầu cứu gửi đi đến một ai đó mà chính em không biết. Em đã phải rất mong ai đó cứu mình biết nhường nào. Em đã phải rất khao khát một người lớn nào đó không phải Bụt, Tiên trong cổ tích mạnh mẽ xông vào đưa em ra khỏi căn hộ địa ngục. Nhưng những người lớn chỉ đến gõ cửa rồi đi. Họ bỏ em lại trong đó, với nỗi sợ hãi tận cùng. Tín hiệu SOS em gửi đi không được hồi đáp. Em chết trong tuyệt vọng.

****

Không có sự giúp đỡ từ những người ở sát vách, em cũng không tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân

Mẹ em, ông bà nội, ông bà ngoại, cô giáo hay bạn, em không cầu cứu ai cả. Một đứa trẻ 8 tuổi khỏe mạnh, học lớp 3, sống tại thành phố, con nhà khá giả, lẽ nào lại không có kỹ năng giao tiếp, không có phương tiện gì để có thể gửi đi lời kêu cứu của mình? Không, không thể có chuyện ấy. Nếu như em không thể nói “mẹ ơi cứu con”, nếu như em không thể nói “ông bà ơi cứu con”, nếu như em không thể nói “cô giáo ơi cứu con”, thì đó là vì em không tin ai cả. Em không tin họ có thể cứu được em. Và vì thế, em im lặng chịu đựng nỗi đau tận cùng cả thể xác lẫn tinh thần. 

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 3

Một đứa trẻ đổ vỡ niềm tin với mọi người lớn xung quanh nó là lỗi lầm khó có thể tha thứ của những người mang danh cha mẹ, ông bà và cả thầy cô. Không một ai trong số họ có kỹ năng nhận diện những dấu hiệu tổn thương thể chất và tinh thần nghiêm trọng của em. 

Họ đã không có đủ thời gian? Hay họ không có đủ sự gần gũi? Hay chính xác hơn, họ không có đủ trách nhiệm? Và thầy cô trong thời học online phải chăng đã tự động bỏ qua tất cả những sự quan tâm chăm sóc về tinh thần của học trò một cách chính đáng? Thậm chí họ còn có quyền không bật cam, chỉ giao lưu với đám trẻ con bằng một cái màn hình biểu tượng và dạy cho xong tiết học là hoàn thành nhiệm vụ.

Đứa trẻ bị cắt đứt đường dây liên hệ với máu mủ ruột rà, người thân, người dạy dỗ, mà hoàn toàn không phải do bị giam cầm mà do bị mất sự tin tưởng. Có lẽ em đã nghĩ rằng, họ sẽ không cứu em hoặc sẽ không cứu được em. Họ sẽ lại đến gõ cửa, nói vài câu đạo lý rồi đi, để lại em trong những trận đòn kín đáo hơn mà đến cả tiếng khóc cũng không được phép bật ra.

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 4

****

Và mẹ em, bố em đã ở đâu?

Bố em ở ngay đấy. Một năm đòn roi, nhiều tháng Sài Gòn cách ly vì dịch bệnh, bố em lẽ nào không nghe thấy tiếng la khóc của con gái ruột của mình trong chính căn hộ của mình? Bố em lẽ nào không nhìn thấy những vết bầm tím chi chít trên cơ thể con? 

Bố em quá vô tâm ư? Không, đó không gọi là vô tâm. Đó gọi là tàn nhẫn và đồng lõa. Sẽ không bao giờ có "mụ dì ghẻ" nào dám động vào con riêng của chồng nếu anh ta luôn hết mực yêu thương, bảo vệ con bé. Sẽ không có bà mẹ kế, ông bố dượng nào dám bạc đãi con riêng của chồng họ vợ họ nếu chính bố ruột mẹ ruột của đứa trẻ luôn đối xử tử tế với con họ. Nếu họ dám làm thế, thì đó là vì những kẻ sinh ra đứa trẻ kia đã cho phép họ được làm thế.

Dì ghẻ của Tấm đợi bố Tấm chết mới dám bắt Tấm trở thành kẻ hầu người hạ trong nhà. Mụ phù thủy đợi nhà vua chết mới dám động đến Bạch Tuyết. Nhưng cô nhân tình của bố em bé tội nghiệp công khai đánh đập em trước sự hiện diện của bố em. Đó là bởi cô ta được cho phép làm vậy. Không loại trừ, cô ta chỉ lặp lại hành vi của người khác khi cư xử với em.

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 5

Còn mẹ em đã làm gì trong một năm không gặp được em? Mẹ em có cầu cứu tới ai không? Mẹ em có đi tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý nào không? Mẹ em có quyết liệt để được biết em sống thế nào hay không? Mẹ em đã làm gì để em không dám kể chuyện mình bị roi vọt, không dám cầu cứu mẹ?

Có thể mẹ em đã làm rất nhiều thứ, nhưng mẹ em đã không làm được một việc mà một người mẹ nhất định phải làm với đứa con mình dứt ruột đẻ ra: Đó là khiến con tin tưởng mình. Một đứa trẻ nếu như không thể tin vào bố mình, mẹ mình thì làm gì có thể tin được ai trên đời?

****

Và các vị quan tòa xử án ly hôn

Các vị đã làm gì trước khi quyết định một đứa trẻ nên ở với mẹ hay với bố? Các vị đã từng thực sự tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tính cách, sức khỏe tâm lý; khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, yêu thương của những ông bố bà mẹ khi ra tòa chia con, giành con chưa?

Các vị đã từng thực sự hỏi một đứa trẻ muốn ở với người nào trước khi giao nó vào tay ai hay chưa? Hay các vị cũng xem lũ trẻ con như vật vô tri, như cái nhà, mảnh đất, cái tivi, tủ lạnh để thích thì chia đôi, chia ba? Và sau đó, nếu có chuyện gì xảy ra với lũ trẻ, nếu cái người mà các vị quyết định giao đứa trẻ vào tay anh ta chị ta gây nguy hiểm cho trẻ đến mất mạng, các vị hoàn toàn không liên quan?

Trong lúc ấy, các tổ chức đoàn thể xã hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em đã làm gì?

Họ làm rất nhiều việc, nhưng rất tiếc ít ai nhìn thấy sự hiện diện của họ. Nếu cần cấp cứu, người ta sẽ nhớ đến 115. Nếu có hỏa hoạn, người ta nhớ đến 114. Nếu có cướp của giết người, người ta nhớ đến 113. Nhưng nếu có một đứa trẻ bị bạo hành, thì gọi cho ai, gọi số nào? Không ai biết.

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 6

Việt Nam có tới 18 cơ quan bảo vệ quyền trẻ em cùng nhiều tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền trẻ em. Đường dây nóng để báo cáo các vụ bạo hành trẻ cũng đã được thiết lập từ lâu mang mã số 111. Nhưng sự hiện diện của những cơ quan, tổ chức này cùng đường dây 111 quá mờ nhạt trong đời sống xã hội. Nên ở một chung cư cao cấp giữa trung tâm Sài Gòn, người ta chỉ biết phản ánh tới Ban quản lý chung cư thay vì nhấc máy lên và gọi 111 tới ứng cứu.

Sự việc lặp đi lặp lại tới gần một năm trời nhưng không ai biết tới 111 để gọi. Thậm chí, khi em bé trong tình trạng nguy kịch, ngừng thở và đưa đến bệnh viện sau 1 buổi sáng bị đánh đập, không ai gọi 111. Nơi báo án là kíp y bác sĩ ở bệnh viện đã tiếp nhận ca cấp cứu khi họ thấy những dấu hiệu bạo hành trên cơ thể trẻ.

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 7

Đã không có một chương trình truyền thông đủ lớn và đủ hiệu quả để đại đa số người dân biết đến sự tồn tại của 111 cùng các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em. 

Đã đến lúc, số điện thoại 111 cần được in ấn và dán khắp nơi như cách mà chúng ta vẫn làm với 113, 114 và 115. Hãy xem việc trẻ em bị bạo hành cũng cấp thiết như cháy nhà, như cướp giết, như tai nạn, như ốm đau bệnh tật nguy kịch. 

Hãy dạy cho bọn trẻ thuộc lòng số điện thoại 111 bên cạnh số điện thoại của bố mẹ. Hãy dạy cho chúng, ngay từ khi biết nhận thức, cách để kêu cứu trong mọi trường hợp gặp nguy hiểm, bao gồm cả trường hợp gặp nguy hiểm bởi chính bố mẹ mình. Hãy làm cho chúng tin rằng, người lớn chúng ta không đáng vứt đi; rằng khi chúng cần, chúng ta có thể cứu được chúng. 

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 8

Và người lớn chúng ta làm ơn hãy học cách xem tiếng gào khóc thảm thiết của một đứa trẻ là bất bình thường. Hãy luôn xem đó là một tín hiệu SOS trong bất kỳ tình huống nào. Hãy ngừng xem việc dạy dỗ 1 đứa trẻ bằng đòn roi là điều được phép của người làm cha mẹ. Khi ta còn cho phép, thì ranh giới giữa dạy dỗ và bạo hành sẽ bị phá vỡ.

Khi đứa trẻ đau mà không thể nói 'mẹ ơi cứu con với', đó là thất bại của những người lớn hèn nhát - Ảnh 9

Chúng ta cũng đừng làm cư dân của làng Vũ Đại nữa, đừng trông chờ vào một ai đó có trách nhiệm và nghĩa vụ giải quyết những vấn đề tưởng là của người khác nhưng thực chất liên quan mật thiết tới cuộc sống của chính chúng ta. Hãy đặt con cái mình vào bối cảnh gào khóc mà không ai cứu nó, bạn sẽ thấy tim mình nhói đau. Thế nên, đừng bao giờ nghe thấy một đứa trẻ gào khóc mà bỏ mặc. Làm ơn!

Lee Young Ae khóc khi cùng gia đình đến viếng mộ em bé bị bạo hành Vụ bạo hành bé gái đến chết: Người mẹ viết đơn giảm án cho vợ chồng con gái Nữ chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh bạo hành dã man thanh niên 15 tuổi khai gì?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp