Trái cà na xuất hiện vào độ tháng 8 tháng 9, khi con nước dâng cao mang theo phù sa bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long. Ngày xưa, cà na chỉ là loại trái mọc dại nhưng hiện nay, loại trái này khiến thực khách, đặc biệt là giới trẻ “phải lòng” nên đã bắt đầu được trồng nhiều hơn để đáp ứng thị trường.
Cà na cho trái hình thoi, kết thành từng chùm, màu xanh đậm, khi chưa chế biến thì có vị chua và chát. Người dân miền sông nước thường đập dập rồi trực tiếp chấm muối ớt để ăn, nghe có vẻ bình thường nhưng nếu thử thì nghiện lúc nào không hay. Ngoài ra, cà na còn được chế biến thành các món ăn vặt vô cùng độc đáo mà ai cũng nên thử một lần!
Trái cà na còn sống rất chát và chua nên nếu không quen mà ăn trực tiếp như người bản xứ sẽ rất khó ăn. Vì thế, cà na được biến tấu thành nhiều “phiên bản” mà trong đó, cà na đập trộn muối ớt đã thành công trở thành một món ăn “hot” trong giới trẻ. Trái cà na đập dập, được xả qua nhiều lần nước khiến giảm bớt đi vị chát và chua, sau đó lại ngâm muối, ngâm đường và bước cuối cùng là trộn đều với muối ớt. Món cà na đập trộn muối ớt thành công là trái vẫn xanh, dai dai và thấm đều vị cay nồng của muối ớt, ăn một lần rồi nhớ mãi.
Đây là món ăn tưởng chừng như đơn giản nhưng lại được chế biến rất cầu kỳ. Trái cà na chọn để ngâm đường phải già vừa phải, nếu quá non sẽ nhiều vị chát, nếu quát chín thành phẩm sẽ bị mềm, không ngon. Đầu tiên là chẻ cà na theo chiều dọc của trái thành 4 đến 5 đường, sau đó luộc qua nước sôi. Tiếp theo là xả qua nhiều lần nước sạch để cà na bớt đi vị tính chát và chua rồi vắt ráo nước. Cuối cùng là nấu nước đường theo tỉ lệ 1kg cà na : 500gr đường và cho cà na vào ngâm.
Cà na ngâm qua đêm là ăn được, thường xuyên vớt bọt trắng sủi ra để nước đường được trong. Thành phẩm là những trái cà na căng bóng, thấm đẫm nước đường, vị chua chua ngọt ngọt và vẫn còn một tí vị chát nơi đầu lưỡi. Những trưa hè cả nhà cùng nhau tụ lại tán gẫu dưới bóng cây mát rượi, thêm cà na ngâm đường chấm muối ớt lại trở thành kỷ niệm ngọt ngào.
3. Cà na ngào đường (mứt cà na)
Món mứt cà na cũng sơ chế như cà na ngâm đường nhưng sau khi luộc, xả, vắt ráo nước thì cho đường trực tiếp vào cà na rồi trộn đều và chờ cho cà na thật sự ngấm đều. Mẹo nhỏ là có thể mang phơi nắng để cà na ngấm đường nhanh hơn. Sau khi đường hoàn toàn hòa quyện vào cà na thì bắt chảo lên ngào cho đến khi nước đường sánh lại, trái cà na bóng mẫy, có màu nâu óng ánh là hoàn thành. Cà na ngào đường bảo quản được lâu hơn, nhâm nhi với tách trà nóng là tuyệt hảo!
Còn ngại gì mà không tìm thử ngay loại trái đặc sản vô cùng độc đáo này, biết đâu bạn sẽ “phải lòng” và “nghiện” lúc nào không hay đó!
Bình luận