Bánh xèo miền Tây đặc biệt ở chỗ rất to nên rất thích hợp ăn mỗi dịp họp mặt. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực chất, bánh xèo được làm rất công phu. Nhân bánh thường là tôm, thịt hoặc đặc biệt hơn là thịt vịt hoặc lòng vịt bằm nhỏ, kèm với củ sắn (củ đậu) và giá đỗ.
Để đổ được một chiếc bánh xèo thơm, béo và giòn tan thì người đầu bếp phải tốn rất nhiều công phu và tâm huyết từ khâu pha bột cho đến khâu “xèo” như thế nào mà vỏ bánh đạt được độ dày vừa phải. Bánh xèo miền Tây ăn kèm rau sống như cải xanh, lá cách, dưa leo, xà lách, húng quế, diếp cá… đặc biệt là đọt xoài non, lá chùm ruột mang đậm bản sắc miền Tây cùng nước mắm pha chua ngọt là chuẩn vị.
Lẩu mắm là một món ăn quen thuộc và nổi tiếng của miền Tây. Lẩu mắm có nhiều cách nấu khác nhau nhưng thường dùng nguyên liệu chính là mắm cá linh để làm nước lẩu. Lẩu mắm dân dã, đúng chất miền Tây khi ăn kèm với cá sông (cá tra, cá rô, cá sặc,…) kèm với bún và rau hái từ vườn, từ ruộng nhà. Những người con xa quê sẽ không bao giờ quê được cảnh gia đình quây quần bên nồi lẩu mắm ngày mưa, có mùi vị đặc trưng của mắm, vị ngọt của cá, vị tươi mát của rau và những câu chuyện vui ấm lòng người dân miệt vườn.
Cháo cá lóc là một món ăn ngon rất được ưa chuộng ở miền Tây Nam Bộ. Với đặc tính thanh thuần, vị dịu ngọt của cá lóc đồng kèm với vị đắng của rau ấy mà lại tạo nên sự kết hợp rất độc đáo. Cháo cá lóc đơn giản ăn kèm một tí tiêu, gừng và hành phi vàng rộm, chẳng nhưng không hề tanh cá mà còn gây nỗi nhớ nhung cho biết bao thực khách.
Ở miền Tây hầu như nhà nào cũng nuôi vài ba con vịt, nếu có khách đến, chủ nhà sẽ không ngần ngại “thết đãi” ngay một nồi vịt nấu chao ấm nồng lòng hiếu khách. Thịt vịt béo ngậy kết hợp với nước dùng đậm đà mùi vị đặc trưng của chao, thêm vị bùi của khoai môn lại ăn kèm với rau sống, món ăn này tạo nên mỹ vị của sự dân dã khiến ai thử một lần cũng khó mà quên được.
Đây là một món ăn đặc trưng của mùa nước nổi. Trời phú cho miền Tây Nam Bộ hai “mùa nước nổi” kèm theo phù sa và nguồn tôm cá đầy ắp. Khi bông điên điển nở vàng hai bên bờ sông, cá linh tung tăng theo con nước chính là lúc người dân xứ miệt vườn “trình làng” món đặc sản mùa nước nổi là canh chua cá linh bông điên điển. Cá linh non, ngọt mềm hòa quyện cùng sự mới lạ, tươi mát của bông điên điển, món ăn này đã làm xiêu lòng biết bao thực khách bởi sự đặc biệt của nó.
Ngoài 5 món đặc sản miền Tây Nam Bộ mà thực khách nhất định phải thử, thì còn rất nhiều món ăn đang chờ bạn khám phá. Nếu có dịp, bạn hãy đến miền Tây một lần để thưởng thức các món ăn ngon và trải nghiệm cảm giác hòa quyện vào sự bình dị, dân dã nơi đây nhé!
Bình luận