Lễ Vu Lan là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, là ngày để mọi người con hướng về mẹ cha.
Với những người con không còn cha mẹ trên đời, việc chuẩn bị mâm cúng lễ Vu Lan chu đáo và thành tâm cũng là cách để bày tỏ thương nhớ và lòng biết ơn đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Tùy truyền thống của mỗi gia đình, mâm cúng lễ Vu Lan có thể chuẩn bị đồ mặn hoặc đồ chay. Cũng không cần chuẩn bị mâm cúng quá cầu kỳ, quan trọng hơn cả là đồ cúng lễ phù hợp với hoàn cảnh gia đình, được thực hiện trang nghiêm và thành tâm.
Theo quan điểm của Phật giáo, mâm cỗ chay thanh tịnh dâng lên cha mẹ, tổ tiên trong ngày lễ Vu Lan sẽ giúp tích lũy công đức cho người còn sống và hồi hướng được công đức cho người đã mất.
Mâm cỗ chay thường có những món dễ làm như xôi, cơm chiên hạt sen, cơm cuộn, nem đậu gà, chả giò chay, cải thìa xào nấm, đậu hũ sốt tương, thịt quay chay, canh khổ qua nấu nấm…
Với các gia đình cúng mặn, mâm cỗ cúng cần chuẩn bị đủ các món truyền thống của người Việt như xôi gấc, bánh chưng, giò chả, nem rán, món xào, các món canh... Tuy nhiên, vì lễ Vu Lan còn mang ý nghĩa cứu độ chúng sinh, nên cần hạn chế cỗ bàn linh đình, giết mổ bừa bãi. Đồ ăn thức uống nên thanh nhẹ, vừa đủ.
Tuy nhiên, với mâm cúng chúng sinh ngoài trời, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng không nên có món mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si.
Mâm cúng chúng sinh thường bao gồm: hoa quả (chọn 5 loại quả tươi, sạch, không bị úng thối), tiền vàng mã, muối hạt sạch, một ít gạo tẻ, hương thắp, trầu cau (lá trầu và quả cau phải đẹp, không được sứt mẻ hoặc bị rách), bánh kẹo các loại, nước, bỏng ngô, bỏng gạo, khoai lang luộc… Ở miền Bắc, mâm cúng chúng sinh còn có thêm nồi cháo loãng, chè loãng thanh nhẹ.
Bên cạnh mâm cỗ cúng, hành động thiết thực hơn cả để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất là làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ.
Ngoài ra, con cháu có thể lên chùa tụng kinh lễ bái để cầu sự siêu thoát cho ông bà, tổ tiên, cầu phúc cho cha mẹ sống thọ, khỏe mạnh.
Bình luận