Nội dung chính
Fendi là một thương hiệu thời trang xa xỉ tới từ nước Ý. Trong gần 100 năm hình thành và phát triển, nhà mốt này đã không ngừng hướng tới sự đổi mới, nhưng đồng thời vẫn giữ được những nét đẹp của thời trang nước Ý để truyền cảm hứng cho giới mộ điệu.
Fendi được thành lập bởi cặp vợ chồng Adele Casagrande và Edoardo Fendi. Adele Casagrande sinh năm 1897. Bà bắt đầu thiết kế từ khi còn rất trẻ và vào năm 1918, bà mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán đồ da và lông thú trên đường Via del Plebiscito ở Rome. Các sản phẩm có mẫu mã đẹp mắt nên cửa hàng của Adele được người dân trong thị trấn yêu thích.
Năm 1925, Adele Casagrande kết hôn với Edoardo Fendi. Hai vợ chồng đã nỗ lực làm việc chăm chỉ để phát triển cửa hàng đồ da và lông thú, về sau là thương hiệu Fendi đình đám của giới thời trang.
Sau khi Adele Casagrande kết hôn với Edoardo Fendi vào năm 1925, cửa hàng đồ da và lông thú đã được đổi tên thành Fendi theo họ của chồng bà. Nhờ những nỗ lực của Adele và Edoardo mà cửa hàng Fendi không ngừng phát triển, thậm chí là còn mở thêm một số chi nhánh khác tại Ý.
Adele Casagrande và Edoardo Fendi có năm người con gái, lần lượt là Paola, Anna, Franca, Carla và Alda. Chính những người con gái này đã đem Fendi lên một tầm cao mới, trở thành thương hiệu thời trang được rất nhiều người biết đến.
Fendi được xem là thương hiệu đạt được thành công nhanh chóng sau khi mới được thành lập không lâu. Tuy nhiên, công việc kinh doanh của nhà mốt này chỉ thật sự bắt đầu lớn mạnh hơn khi người con cả Paola gia nhập công ty vào năm 1946 khi mới 15 tuổi. Các em gái của Paola sau đó cũng lần lượt tham gia vào hoạt động của công ty gia đình, đem tới nguồn năng lượng mới và trẻ trung cho Fendi.
Năm 1954, Edoardo Fendi qua đời. Cả năm người con gái của ông cũng bắt đầu làm việc toàn thời gian ở Fendi. Dòng áo khoác lông thú đầu tiên của Fendi được ra mắt và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các tín đồ thời trang. Tuy nhiên tới khoảng những năm 60s, con người có sự thay đổi trong quan niệm về đồ lông thú. Từ một sản phẩm của sự thời thượng, đồ lông thú lại trở thành món đồ bình thường và không hợp mốt.
Năm 1965, Fendi mời Karl Lagerfeld, một nhà thiết kế người Đức, trở thành giám đốc sáng tạo của thương hiệu. Karl Lagerfeld đã tạo nên bước đột phá mới mẻ trong quan điểm của mọi người về lông thú cũng như cách ứng dụng lông thú trong các thiết kế thời trang.
Mục tiêu của Karl là tạo ra một phong cách mới hiện đại hơn cho Fendi, bởi vậy ông đã thử nghiệm nhiều loại chất liệu, hoa văn và màu sắc khác nhau. BST thời trang lông thú cao cấp đầu tiên của Karl Lagerfeld được ra mắt vào năm 1966 và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ công chúng.
Lagerfeld đã thành công trong việc sử dụng lông thú để làm ra các thiết kế, phụ kiện may sẵn hoặc mọi thứ mà ông có thể nghĩ ra. Nhờ vậy mà ngay cả người bình thường cũng có thể tiếp cận được với đồ lông thú. Những thiết kế của Lagerfeld rất sáng tạo, nhiều màu sắc, tạo nên nét độc đáo cho thương hiệu Fendi.
Fendi đã cố gắng giữ giá cả sản phẩm ở mức phù hợp với nhiều người tiêu dùng. Năm 1977, Lagerfeld ra mắt bộ sưu tập may sẵn đầu tiên cho Fendi.
Ngoài ra, nhà mốt nước Ý cũng đã giới thiệu BST giày đầu tiên vào năm 1978. Đồng thời trong giai đoạn này, Fendi cũng cho ra mắt các bộ sưu tập thời trang thủ công. Lúc bấy giờ, Fendi được xem là thương hiệu hàng đầu về đồ da và đồ lông thú.
Năm 1978, Adele qua đời. Năm người con gái của bà tiếp tục phân chia công việc kinh doanh của Fendi, vị trí giám đốc sáng tạo vẫn do Karl Lagerfeld đảm nhiệm.
Vào thập niên 80s, Fendi đã phụ trách thiết kế đồng phục mới cho Sở cảnh sát của Rome. Thương hiệu cũng mở một cửa hàng mới ở Fifth Avenue tại thành phố New York.
Thành công ngày hôm nay của Fendi phải kể đến một phần công lao rất lớn của Silvia Venturini Fendi - con gái của Anna Fendi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh thời trang, Silvia đã có niềm đam mê với lĩnh vực thiết kế ngay từ khi còn nhỏ.
Silvia Venturini Fendi chính là người đã thiết kế ra nhiều sản phẩm gây tiếng vang lớn của Fendi. Trong đó phải kể tới mẫu túi Baguette - chiếc túi thu hút được hàng loạt các ngôi sao hạng A như Madonna, Naomi Campbell... Mẫu túi Baguette tuy đơn giản mà sang trọng, là thiết kế truyền cảm hứng cho nhiều sáng tạo mang tính biểu tượng hơn của Fendi trong những năm tiếp theo. Ngày nay Baguette vẫn là một trong những thiết kế túi được yêu thích nhất của nhà mốt nước Ý.
Năm 1994, Silvia Venturini Fendi trở thành giám đốc sáng tạo cho dòng sản phẩm thời trang nam của Fendi. Silvia đã kết hợp với Karl Lagerfeld để làm nên những thiết kế gây sốt giới mộ điệu như áo lông chồn phủ bạc, BST Haute Couture Legends and Fairy Tales, các mẫu đồng hồ…
Kể từ năm 2000, Fendi chính thức trở thành một phần của tập đoàn LVMH. Tuy nhiên, quyền quản lý thương hiệu vẫn thuộc về gia đình nhà Fendi.
Năm 2019, Karl Lagerfeld qua đời. Năm 2020, NTK Kim Jones gia nhập Fendi với vai trò giám đốc nghệ thuật của bộ sưu tập thời trang cao cấp, đồ may sẵn và lông thú dành cho phụ nữ, đồng thời vẫn tiếp tục đồng hành cùng Dior Men.
>>> Xem thêm: NTK Menswear đầu quân cho Fendi với phân khúc thời trang nữ
Trong quá trình hình thành và phát triển, logo của Fendi đã có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, mẫu logo được biết tới nhiều nhất và sử dụng nhiều nhất là hình ảnh hai chữ F được viết ngược nhau do Karl Lagerfeld thiết kế. Hai chữ FF đại diện cho tinh thần “Fun and Fur” của Fendi sau khi Karl Lagerfeld gia nhập thương hiệu, thúc đẩy sự cách tân trong việc thiết kế và sử dụng đồ lông thú.
Vị trí đại sứ thương hiệu của Fendi do những người có tên tuổi lớn trong ngành thời trang và giải trí đảm nhiệm, ví dụ như nữ diễn viên Kim Da Mi, nam tài tử Lee Min Ho, ngôi sao người Mexico Danna Paola. Mới đây nhất, nam rapper Hàn Quốc ZICO cũng đã trở thành đại sứ của Fendi sau hai năm tham gia nghĩa vụ quân sự.
Thương hiệu Fendi cung cấp các sản phẩm dành cho nam, nữ và cả trẻ em, bao gồm trang phục, giày dép, và các phụ kiện thời trang.
Tới hiện tại, Fendi chưa có cửa hàng chính hãng ở Việt Nam.
Bình luận