Loại tảo này còn được gọi là Marimo, có sợi xanh mềm mại, thường kết lại như quả cầu tròn xoe dưới nước cực lạ mắt. Được biết, lõi của mỗi cục Marimo chứa diệp lục nhưng chỉ hoạt động nếu gặp ánh sáng.
Marimo sinh trưởng tự nhiên dưới lòng hồ, nhiệt độ thích hợp để sinh sống từ 13-35 độ C. Khác với các loại tảo khác, Marimo được dòng chảy hài hòa dưới lòng hồ xô chúng cuộn thành hình cầu, 4 phương 8 hướng đều được chiếu sáng nên lại càng tròn và tốc độ sinh trưởng rất chậm, có tuổi thọ cao tới vài trăm tuổi. Ở Nhật, Marimo được phát hiện nhiều nhất tại hồ Akan, Hokkaido.
Trong quan niệm của người Nhật, Marimo là vật đại diện cho sự thịnh vượng, may mắn nên rất được người Nhật tôn sùng. Truyền thuyết dân gian Nhật Bản kể về Marimo với câu chuyện ngôn tình. Đó là câu chuyện về hai người yêu nhau sâu nặng nhưng không đến được với nhau, họ cùng nhảy hồ và hóa thành những quả cầu rêu xanh ngát.
Nhiều năm qua, Marimo được người yêu thực vật nhiều nơi trên thế giới yêu thích, thậm chí đem về nhà "nuôi" trong bể cá.
Sở dĩ, chúng vừa thân thiện đáng yêu vừa có khả năng lọc nước, diệt rêu có hại. Hầu như chỉ cần thả Marimo vào nước mà không cần phải chăm sóc cầu kỳ.
Marimo dường như có sức sống và biết động đậy khi quá trình quang hợp diễn ra: Khí oxy thoát ra giúp nó nổi lên, cuộn tròn trên mặt nước và lại chìm xuống đáy.
Tại Việt Nam, thú chơi Marimo cũng xuất hiện vài năm trước, hiện tại chúng còn được bày bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử, giá khởi điểm từ vài chục nghìn đồng.
Hằng năm ở hồ Akan, người dân cũng tổ chức lễ hội để tôn vinh loại tảo này.
Bình luận