Louis Vuitton: Thương hiệu thời trang xa xỉ với tuổi đời đáng ngưỡng mộ

Lâm Nguyễn Đăng lúc: Thứ hai, 14/03/2022 11:28 (GMT +7)
Trong hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Louis Vuitton luôn là cái tên nằm trong danh sách những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới
Hashtag #Lịch sử thời trang #Louis Vuitton #BEAUTORY #Thời trang

Là thương hiệu xa xỉ lâu đời thứ hai vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, không có gì ngạc nhiên khi Louis Vuitton luôn nhận được sự ưu ái của giới thời trang. Ngày nay, nhà mốt nước Pháp luôn giữ vững vị trí tốp đầu các thương hiệu lớn nhất thế giới, với doanh thu thường niên xấp xỉ 15 tỉ USD.

Louis Vuitton: Thương hiệu thời trang xa xỉ với tuổi đời đáng ngưỡng mộ - Ảnh 1

>>> Xem thêm: Bạn có nhiều tiền và cần phải tiêu hết? Hãy để Louis Vuitton giúp một tay

Câu chuyện về Louis Vuitton - người sáng lập thương hiệu

Louis Vuitton sinh năm 1821 tại vùng núi Jura, nước Pháp. Ông xuất thân trong một gia đình lao động chủ yếu kiếm sống bằng làm nông và nghề mộc. Mẹ của ông mất sớm, cha của ông lấy vợ hai nhưng cũng qua đời ít lâu sau đó. Cuộc sống của Louis Vuitton sau đó không mấy hoà hợp với bà mẹ kế.

Do quá chán nản với cuộc sống ở vùng nông thôn bên bà mẹ kế khó tính, Louis Vuitton quyết định rời nhà để tới Paris ở tuổi 13. Louis Vuitton đã phải đi bộ trong suốt 2 năm để hoàn thành quãng đường dài 292 dặm đó. Để kiếm lộ phí, ông đã làm đủ các loại công việc lặt vặt ở những điểm dừng. 

Năm 1837, Louis Vuitton đặt chân tới Paris. Ông xin học việc tại xưởng của Maréchal - một nghệ nhân chuyên sản xuất hộp gỗ và đóng gói hành lý. Lúc bấy giờ, xe ngựa, thuyền và xe lửa là phương tiện vận chuyển chính, và hành lý thường được gia công một cách thô sơ. Điều này khiến các du khách thường xuyên yêu cầu thợ thủ công đóng gói và bảo vệ đồ vật cá nhân của họ.

Chân dung của Louis Vuitton
Chân dung của Louis Vuitton

Louis Vuitton nhanh chóng trở thành một nghệ nhân được đánh giá cao tại xưởng của ông Maréchal ở Paris. Đó chính là bước đầu hình thành nên kĩ năng làm rương thủ công đầy tinh xảo cho sự nghiệp trong tương lai của Louis Vuitton. Ông đã gắn bó với xưởng của Maréchal trong suốt 17 năm trước khi thành lập một xưởng cho riêng mình.

Tài năng của Louis Vuitton khiến ông được mọi người ca ngợi là thợ đóng rương giỏi nhất ở Paris. Năm 1853, Nữ hoàng Pháp lúc bấy giờ là Eugenie de Montijo, vợ của Hoàng đế Napoleon Bonaparte III, đã chọn Louis Vuitton làm người đóng rương riêng cho mình. Chính điều này đã giúp Louis Vuitton ngày càng thêm nổi tiếng và uy tín trong giới hoàng gia và thượng lưu.

Sự hình thành của một thương hiệu xa xỉ

Năm 1854, Louis Vuitton kết hôn với Clemence-Emilie Parriaux. Trong cùng năm đó, ông quyết định rời xưởng Monsieur Maréchal để thành lập nên một xưởng của riêng mình tại Paris. Cửa hàng đầu tiên của Louis Vuitton nằm tại số 4 đường Neuve-des-Capucines, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của doanh nghiệp Louis Vuitton. Slogan của doanh nghiệp Louis Vuitton lúc bấy giờ là: "Đóng gói cả những đồ vật dễ vỡ nhất, đặc biệt chú trọng vào thời trang". Ngoài ra, Louis Vuitton cũng bắt đầu sử dụng canvas thay thế cho chất liệu da nhằm tạo độ chống nước và tăng tính bền cho sản phẩm.

Ngôi nhà tại số 4 đường Neuve-des-Capucines, nơi đánh dấu khởi đầu của một thương hiệu xa xỉ
Ngôi nhà tại số 4 đường Neuve-des-Capucines, nơi đánh dấu khởi đầu của một thương hiệu xa xỉ

Năm 1858, cái tên Louis Vuitton tiếp tục trở nên nổi tiếng hơn sau khi cho ra mắt rương hành lý hình chữ nhật, phẳng và gọn nhẹ, khác hẳn so với những loại rương cồng kềnh đang phổ biến lúc bấy giờ. Ông còn làm lớp bọc ngoài của rương bằng vải canvas phủ sơn dầu, sử dụng họa tiết kẻ sọc và ca rô Damier trên lớp vải đó để tạo nên sự khác biệt so với sản phẩm của các thương hiệu khác.

Louis Vuitton: Thương hiệu thời trang xa xỉ với tuổi đời đáng ngưỡng mộ - Ảnh 4
Louis Vuitton: Thương hiệu thời trang xa xỉ với tuổi đời đáng ngưỡng mộ - Ảnh 5

Sau khi liên tục gặt hái những thành công trong sự nghiệp, Louis Vuitton quyết định mở rộng quy mô kinh doanh của mình. Ông mở thêm một xưởng gia công mới tại làng Asnière bên bờ sông Seine phía Đông Bắc thủ đô Paris. Điều này chứng tỏ Louis Vuitton còn là một nhà kinh doanh có tầm nhìn chiến lược, bởi Asnière là vị trí thuận tiện giúp vận chuyển nguyên liệu tới xưởng, cũng như vận chuyển các sản phẩm từ xưởng tới khắp mọi nơi ở Paris một cách nhanh chóng. Mới đầu, xưởng này chỉ có 20 nhân viên. Năm 1900, số lượng nhân viên lên tới gần 100 người và đến năm 1914 là 225 người. Cho tới ngày nay, xưởng Louis Vuitton tại Asnière vẫn là trái tim và là nơi chứa đựng nhiều kỉ niệm cho ra những sản phẩm bespoke đặc biệt của thương hiệu. 

Gia đình Louis Vuitton và các công nhân tại xưởng Asnière vào năm 1888
Gia đình Louis Vuitton và các công nhân tại xưởng Asnière vào năm 1888

Những thách thức trên hành trình phát triển thương hiệu Louis Vuitton

Sức hút lớn của những chiếc rương và túi của Louis Vuitton khiến nhà mốt nước Pháp phải đối mặt với một vấn đề lớn: hàng giả, hàng nhái. Tới ngày nay, sản phẩm fake của Louis Vuitton vẫn còn tồn tại với số lượng lớn trên thị trường. Để đối phó với tình trạng này, Louis Vuitton bắt đầu sử dụng các sọc màu be và nâu trong các thiết kế của mình, thay vì màu xám như trong những sản phẩm trước đó. 

Chiến tranh Pháp-Phổ từ năm 1870 tới 1872 đã ảnh hưởng ít nhiều tới sự nghiệp của Louis Vuitton. Toàn bộ công việc kinh doanh của ông đã bị phá hủy. Thế nhưng sau đó, Louis Vuitton đã tìm cách thiết lập lại việc kinh doanh bằng cách thành lập một xưởng mới tại số 1 đường Scribe ở trung tâm Paris. Lúc này thương hiệu của ông thậm chí còn phát triển nhiều hơn so với giai đoạn trước chiến tranh.

Năm 1885, Louis Vuitton mở cửa hàng đầu tiên bên ngoài lãnh thổ nước Pháp. Cửa hàng này nằm phố Oxford ở London, nước Anh. Trước tình trạng đạo nhái sản phẩm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, Louis Vuitton buộc phải cho ra đời thiết kế mới một lần nữa. Năm 1888, họa tiết “Damier Canvas” được cho ra mắt, bao gồm cả logo nhãn hiệu đọc là “marque L. Vuitton déposée”. 

Các mẫu rương làm bằng vải canvas mang tính lịch sử của thương hiệu Louis Vuitton
Các mẫu rương làm bằng vải canvas mang tính lịch sử của thương hiệu Louis Vuitton

Louis Vuitton không ngừng cho ra những sản phẩm chất lượng cao cho tới tận lúc ông qua đời vào năm 1892. Việc kinh doanh thương hiệu được chuyển giao lại toàn bộ cho người con trai duy nhất của Louis Vuitton là Georges Vuitton.

Di sản tiếp tục được kế thừa

Bên cạnh đổi mới và sáng tạo các sản phẩm cho thương hiệu, Georges Vuitton đồng thời giữ lại những nét đặc trưng trong thiết kế của cha mình để lại. Là người chèo lái công ty, Georges Vuitton đã có những chiến lược phát triển mới để khiến Louis Vuitton trở thành một trong những nhà mốt xa xỉ hàng đầu mà chúng ta biết tới hiện nay. Trong số đó phải kể tới họa tiết monogram hoa bốn cánh được ra mắt vào năm 1896. Trước đó Georges Vuitton cũng là người thiết kế ra ổ khoá chống trộm với độ tin cậy rất cao trên mỗi chiếc rương. Cả hai phát minh này của Georges vẫn được nhà mốt nước pháp sử dụng đến tận ngày nay. 

Louis Vuitton: Thương hiệu thời trang xa xỉ với tuổi đời đáng ngưỡng mộ - Ảnh 8

Georges Vuitton cũng bắt đầu mở rộng thương hiệu tới nhiều nước trên thế giới. Ông tập trung bán các sản phẩm của Louis Vuitton ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Mỹ. Năm 1914, toà nhà Louis Vuitton trên đại lộ Champs-Élysées được khánh thành, trở thành nơi bán đồ du lịch lớn nhất thế giới. Georges Vuitton cũng cho ra các thiết kế túi du lịch khác bên cạnh những chiếc túi đựng đồ như trước. Năm 1936, Georges Vuitton qua đời ở tuổi 79. Công việc kinh doanh của gia đình lại được truyền lại cho con trai cả của Georges là Gaston Vuitton.

Những chiếc túi xách mang tính biểu tượng

Trong suốt những năm 1900, Louis Vuitton không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh thương hiệu với việc cho ra mắt các mẫu túi xách cùng nhiều mặt hàng khác bên cạnh những chiếc rương đựng đồ. Một số thiết kế tiêu biểu bao gồm túi xách du lịch cỡ lớn Keepall ra mắt vào năm 1930, túi xách Speedy nhỏ gọn phù hợp sử dụng hàng ngày được sản xuất vào năm 1932, túi Noé, Alma, và Papillon... Đây là những chiếc túi mang tính biểu tượng của Louis Vuitton tới tận ngày nay.

Louis Vuitton: Thương hiệu thời trang xa xỉ với tuổi đời đáng ngưỡng mộ - Ảnh 9

Năm 1959, Louis Vuitton đã thành công cải tiến vải canvas cổ điển nhờ vào công nghệ mới. Phiên bản vải canvas lần này có độ dẻo dai hơn, tạo điều kiện sản xuất các sản phẩm nhỏ và nhiều chi tiết. Từ năm 1945 đến năm 2000, Louis Vuitton đã mở rộng các mặt hàng kinh doanh với những sản phẩm như túi nhỏ, ví và phụ kiện.

Tập đoàn LVHM: Cú bắt tay của 3 ông lớn

Năm 1970 Gaston Vuitton qua đời và con rể của ông, Henry Racamier, trở thành người tiếp quản công ty. Henry tin tưởng vào tiềm năng của thương hiệu, lên kế hoạch mở nhiều cửa hàng Louis Vuitton trên toàn thế giới. Năm 1987 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Louis Vuitton khi ba thương hiệu lớn là Louis Vuitton, Moet & Chandon, và Hennessy quyết định hợp nhất để tạo thành tập đoàn hàng xa xỉ LVMH.

Sự thành lập LVHM đã làm tăng doanh thu và lợi nhuận của Louis Vuitton một cách nhanh chóng. Năm 1988, lợi nhuận của Louis Vuitton đã tăng 49% so với năm trước đó. Năm 1989, Louis Vuitton có tới 130 cửa hàng trên toàn thế giới. 

Vị giám đốc sáng tạo đầu tiên được bổ nhiệm

Năm 1997, nhà thiết kế thời trang người Mỹ, Marc Jacobs, được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo đầu tiên của Louis Vuitton. Trước đó, Marc Jacobs đã có kinh nghiệm làm việc với Balenciaga. Marc Jacobs chịu trách nhiệm thiết kế trang phục may sẵn dành cho nam và nữ, và chỉ sau 1 năm, anh đã cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình dưới mái nhà Louis Vuitton.

Marc Jacobs trở thành giám đốc sáng tạo đầu tiên của Louis Vuitton
Marc Jacobs trở thành giám đốc sáng tạo đầu tiên của Louis Vuitton

Dưới sự dẫn dắt của Marc Jacobs, năm 2001, bộ trang sức đầu tiên của Louis Vuitton được ra mắt công chúng. Một năm sau đó, BST đồng hồ được ra đời. Marc Jacobs cũng cho ra dòng sản phẩm vải canvas Monogram Multicolor, cũng như bộ sưu tập Monogram Vernis và Damier Graphite. Anh cũng đẩy mạnh việc hợp tác với các nhà thiết kế khác, cũng như với người nổi tiếng nhằm quảng bá cho hình ảnh thương hiệu. Những cái tên đình đám như Madonna, Angelina Jolie, Bono, Keith Richards và Scarlett Johansson đều đã từng gắn bó với Louis Vuitton.

Madonna trong chiến dịch quảng bá sản phẩm của Louis Vuitton
Madonna trong chiến dịch quảng bá sản phẩm của Louis Vuitton
Selena Gomez sử dụng túi xách của Louis Vuitton
Selena Gomez sử dụng túi xách của Louis Vuitton

Marc Jacobs quyết định từ chức giám đốc sáng tạo vào năm 2013 để tập trung vào thương hiệu của riêng mình với sự giúp đỡ của LVMH. Hiện tại, vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang nước Pháp do Nicolas Ghesquière đảm nhiệm.

Trải qua hơn một thế kỷ, Louis Vuitton vẫn là một trong những thương hiệu xa xỉ hàng đầu trên thế giới, luôn được các tín đồ thời trang săn đón nhiệt tình. Số lượng các mặt hàng giả, nhái Louis Vuitton ngập tràn trên thị trường cũng cho thấy độ phủ sóng của nhà mốt nước Pháp trên toàn thế giới lớn như thế nào. 

Louis Vuitton ra mắt bộ mạt chược: Khi những người lắm tiền vui chơi 5 chiếc túi xách kinh điển của Louis Vuitton mà ai cũng nên sở hữu Louis Vuitton cho ra mắt loa chơi nhạc
Copy URL
Louis Vuitton
[Ẩn - Hiện]

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp