Nội dung chính
Love bombing gần đây trở thành thuật ngữ phổ biến trong tình yêu của thế hệ Gen Z. Tuy nhiên, đây không phải cụm từ mới trong tâm lý học tình yêu. Love bombing được hiểu là hành vi gây ảnh hưởng đến một người bằng sự quan tâm và thể hiện tình cảm quá mức như hành động "dội bom" đối phương.
Người bị "dội bom" sẽ cảm thấy u mê, đắm chìm bởi những lời quan tâm mật ngọt này nhưng khi đối phương dừng đột ngột hành động "ném bom tình yêu" lại, bạn sẽ cảm thấy trống vắng bởi đã quen sống trong men say tình ái.
Những kẻ "ném bom tình yêu" thường là người có hội chứng ái kỷ (narcissism - yêu bản thân quá mức). Vì thế, hành vi love bombing của họ thường đi kèm với các hành vi tiêu cực khác để "giăng bẫy" tình ái đối phương và đặt bản thân mình lên trên hết.
Thuật ngữ love bombing xuất hiện vào khoảng những năm 1970, dùng để miêu tả chiến lược thu hút tín đồ mới của một giáo phái cực đoan do Sun Myung Moon sáng lập. Ban đầu, thuật ngữ để miêu tả những lời lẽ ngọt ngào, cử chỉ thân mật để lôi kéo người khác tham gia giáo phái.
Sau này, love bombing được sử dụng chủ yếu trong tình yêu vì ý nghĩa tương đồng.
Bạn có thể nhận ra hành vi love bombing khi đối phương ca ngợi bạn thái quá dù cả hai chỉ mới quen biết. Bằng cách đặt bạn ở vị trí trên cao, họ sẽ dễ dàng có được sự chú ý của bạn, khiến bạn tin tưởng và "phục tùng" họ.
Cũng giống như hành động ca ngợi bạn quá mức, kẻ đánh bom tình yêu làm mọi thứ trong khả năng của họ để khiến bạn đứng về phía họ. Họ sẵn dàng nói cho bạn chính xác những gì bạn muốn nghe, ngay cả khi điều đó bẻ cong sự thật.
Hình thức thao túng này cho thấy kẻ đánh bom tình yêu làm bất cứ điều gì để kiểm soát tình hình như một cách để đảm bảo họ nhận được tình cảm và sự chú ý.
Vốn dĩ, việc tặng quà không hề xấu trong tình yêu. Tuy nhiên, những kẻ ném bom tình yêu sẽ khiến bạn cảm thấy như đang mắc nợ khi nhắc về chuyện tặng quà như một sự trao đổi, nghĩa là họ cho đi để nhận lại. Việc tỏ ra chăm chút và hào phóng với bạn thực chất là cách để họ được nhận nhiều hơn trong tương lai.
Dù chỉ mới quen biết, những kẻ love bombing không ngại hứa hẹn vào tương lai hay đưa bạn về nhà gặp bố mẹ để tạo sự tin tưởng. Họ thường xuyên nói về chuyện kết hôn, sinh con để khiến bạn bị cuốn vào những ý tưởng tình yêu lãng mạn.
Sau cùng, khi không còn muốn ở trong mối quan hệ, những kẻ love bombing sẽ tỏ ra vô tội, đáng thương bằng nhiều cách như thuật lại mối tình dang dở trước đây của mình, tuổi thơ từng bị đối xử tệ bạc ra sao. Điều này khiến bạn cảm thấy mềm lòng, tự đổ lỗi về phía mình.
Khi họ "trút bỏ" vai diễn của mình, bạn chưa thể thoát khỏi hiệu ứng love bombing và tự dằn vặt bản thân khi sống thiếu tình cảm của đối phương.
Chuyên gia giáo dục giới tính Tatyannah King cho rằng, rất khó để kết luận một hành vi nào là love bombing khi nó vừa mới xuất hiện. Bởi trong giai đoạn đầu của tình yêu, cả hai luôn có những cảm xúc mãnh liệt dành cho nửa kia.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy người kia đang có những hành động quá vội vã thì hãy thẳng thắn đề nghị mọi chuyện diễn biến chậm rãi. Đồng thời, giữ khoảng cách với đối phương và tạo ra mình một không gian riêng tư, không phụ thuộc quá nhiều vào người đó.
Khi cảm thấy không thoải mái vì bị "ném bom" dồn dập bằng những món quà quá đắt đỏ hay những lời hứa hẹn quá mức về tương lai, hãy dứt khoát nói lời chia tay, cắt đứt mọi cách liên lạc bởi vì kẻ ái kỷ thường tìm mọi cách níu kéo bạn quay lại.
Thoát khỏi mối quan hệ love bombing là điều không hề dễ dàng khi bạn đã phụ thuộc và mối quan hệ đó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, một mối quan hệ bình thường cần thời gian để phát triển, tìm hiểu và thăng hoa. Vì vậy, nếu tình yêu diễn biến quá nhanh và cảm thấy những dấu hiệu không ổn, hãy tỉnh táo nhìn nhận lại mối quan hệ và tìm cách giữ sự thông thái cho bản thân.
Bình luận