Minh Vượng sinh năm 1958 tại phố Lương Yên, Hà Nội trong một gia đình có sáu anh chị em. Dù gia đình đông anh em, không mấy khá giả nhưng Minh Vượng lại có mơ ước được hoạt động nghệ thuật. Ước mơ này xuất phát từ những ngày tháng tuổi thơ được xem những vở kịch nói trên sân khấu thô sơ ở Lương Yên.
15 tuổi, Minh Vượng đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội nhưng không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Tiếp đó, bà thi đỗ vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, nhưng lại không theo học vì sợ bị cắt hộ khẩu. Tháng 4/1974, Minh Vượng tiếp tục đỗ vào khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội do được NSND Quỳnh Nga đánh giá cao trong phần đóng tiểu phẩm.
Không sở hữu vóc dáng xinh đẹp, ăn hình như nhiều đồng nghiệp cùng thời nhưng có lẽ, chính vẻ ngoài đặc biệt cùng nhiệt huyết cháy bỏng với sân khấu giúp Minh Vượng luôn được đánh giá cao. Năm 1978, bà tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội và công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội từ đây.
Nhờ sự cần cù, bền bỉ cùng giọng nói ấm áp truyền cảm, nghệ sĩ Minh Vượng được nhiều đạo diễn kịch quan tâm và góp mặt trong nhiều vở kịch nổi tiếng như Già kén, Vợ chồng dởm.
Đặc biệt, hai vai diễn này gắn bó với tên tuổi Minh Vượng, gúp bà đoạt hai Huy chương vàng trong vòng một ngày tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991. Sau này, Minh Vượng trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả xem truyền hình khi tham gia một số bộ phim truyền hình và nhiều tiểu phẩm hài trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và “Gặp nhau cuối năm".
Hiện tại, ở tuổi ngoài 60, Minh Vượng vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. Ngoài vai trò diễn viên hài kịch, bà còn làm giảng viên khoa sân khấu của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và làm đạo diễn cho một số bộ phim.
"Nhiều người bảo tôi điên. Tôi cũng không hiểu tại sao, gần 50 năm làm nghề mà lửa nghề vẫn chưa bao giờ tắt. Đối với Minh Vượng, việc đắm mình dưới ánh đèn sân khấu, ánh sáng ở phim trường không chỉ là công việc, mà còn là khát khao cháy bỏng", nữ nghệ sĩ tâm sự.
Mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả nhưng ở tuổi xế chiều, Minh Vượng vẫn không tìm được một bờ vai để nương tựa sớm chiều.
Bà tâm sự hài lòng với cuộc sống độc thân và cho biết, không kết hôn một phần vì sức khỏe yếu, một phần vì quá say nghề. Trong sáu anh chị em, Minh Vượng là người duy nhất không có con.
"Trên sân khấu, tôi hay đóng những tiểu phẩm mang ý nghĩa giáo dục, hướng thiện. Ngoài đời, tôi luôn tự nhủ hãy vui vẻ với những gì mình đang có. Ông Trời rất công bằng, được cái nọ sẽ mất cái kia", bà nói.
Dù sống một mình nhưng nữ nghệ sĩ không mấy khi thấy buồn hay cô đơn bởi lịch đi dạy, lịch diễn dày đặc. Đồng thời, do nhà đông anh em, con cháu nên lúc nào cũng rôm rả, sum vầy bên nhau. Vài đứa cháu lớn của nữ nghệ sĩ đã lập gia đình, coi bà như người mẹ thứ hai.
"Nói thật tôi chẳng bao giờ thấy cô đơn, mệt mỏi cả. Hầu như ngày nào về đến nhà cũng đã 11, 12 giờ đêm, nhưng 3 giờ sáng mới ngủ. Tôi thiệt thòi hơn các nghệ sĩ khác là không có gia đình, nhưng tôi có anh em con cháu ở bên cạnh", bà tâm sự.
Ở tuổi ngoài 60, Minh Vượng phải đối mặt với chứng tiểu đường, bệnh thấp khớp nhiều năm nay nên "kiếm được bao nhiêu tiền chi vào thuốc thang hết". Dù vậy, bà không quá bận lòng mà luôn sống hết mình, tích cực trong cuộc sống.
Nữ nghệ sĩ bộc bạch: "Nếu còn sức khoẻ, tôi vẫn sẽ cống hiến cho nghệ thuật đến giây cuối cùng. Sau này, về già tôi có thể tìm đến các trại an dưỡng, những ngôi nhà dành cho người không nơi nương tựa để kể chuyện vui cho họ. Nghề của tôi, khiến 1 người vui cũng là niềm hạnh phúc.
Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại, bằng lòng với công việc. Cảm ơn những gì cuộc đời đã mang đến cho tôi, cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm người nghệ sĩ. Ai rồi cũng có lúc về già, yếu đau, có thể tuổi già sẽ khép lại ước mơ. Mặc dù cuộc sống còn nhiều ham muốn, nhưng hãy biết bằng lòng, biết chấp nhận điều mình có, để sống vui vẻ, sống khỏe."
Bình luận