Vài năm trở lại đây, na rừng bỗng được giới thương lái Trung Quốc sang tìm mua nhiều, khiến cho loại quả mọc tự nhiên trên rừng trở nên đắt đỏ bất thường.
Na rừng là loại cây leo sống ký sinh vào các cây thân gỗ lớn, mọc rải rác trong rừng rậm, rừng tái sinh có độ cao từ 200-1000m, ra trái vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Na rừng có nhiều nhất tại các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Quảng Trị và Huế.
Na có vỏ và ruột màu hồng đỏ, kích thước lớn, từ 700g đến 4kg, phổ biến nhất từ 1 - 3kg. Mặc dù ăn không ngon nhưng quả na rừng được cho là có giá trị về dinh dưỡng và dược liệu cao, có thể rang sao khô để làm thuốc an thần hay ngâm rượu uống để tẩm bổ sức khỏe.
Để tìm hái được na rừng, thương lái thường thuê người dân tộc thiểu số thông thuộc địa bàn rừng núi hiểm trở, đi rừng giỏi. Người đi thu hái được trả từ 50-60 ngàn đồng/kg, hoặc trên 100 ngàn đồng/kg với quả na nặng trên 2kg. Sau đó, na được bán ra thị trường với giá phổ biến tầm 150 ngàn đồng/kg, hoặc từ 350 - 400 ngàn đồng/kg với loại quả to. Na càng to, giá càng cao.
Người dân địa phương ở Lai Châu cho biết, thời gian gần đây na rừng càng ngày càng ít đi do bị thu hoạch quá nhiều.
Bình luận