Măng đắng vốn là một món ăn phổ biến của người dân đồng bào dân tộc Thái, Mường, Tày,... sinh sống ở khu vực miền núi phía Bắc. Dù sinh trưởng quanh năm nhưng măng đắng có nhiều nhất là vào mùa mưa. Măng có thể dùng để chế biến thành rất nhiều món ngon khác nhau, nhưng độc đáo, khác biệt và có hương vị khó quên nhất có lẽ phải kể tới nem măng đắng.
Đây không chỉ được coi là một món ăn dân dã của người Tày sinh sống ở Lào Cai, mà còn là một món ngon đặc sản cực được lòng các vị du khách khi đặt chân tới nơi đây nữa. Dù có khá nhiều người e ngại món ăn này vì sợ đắng, nhưng một khi đã thưởng thức rồi không ít người phải khen ngợi vì sự kết hợp thú vị của hương vị món ăn.
Nguyên liệu làm nem măng đắng chắc chắn không thể thiếu măng vầu và phần măng dùng để gói nem phải là măng vầu lá. Theo như chia sẻ của những người hái măng thuần thục lâu năm, thì khi trên trời xuất hiện những tiếng sấm đầu mùa, đó cũng chính là lúc mà măng mọc trên rằng bắt đầu chuyển qua vị đắng. Người dân nơi đây sẽ đem theo gùi và đi vào trong rừng sâu, lựa ra những mầm măng mới nhú đã đủ độ ngọt và giòn để mang về.
Sau khi măng được rửa sạch rồi luộc để giảm đắng cũng như làm sạch độc tố trong măng nếu có. Khi đã luộc xong, người ta sẽ lấy phần mang vầu lá nhẹ nhàng lột để lấy những tấm lá bánh tẻ, dai, mềm như tấm lụa mỏng để gói nem hay vì dùng bánh đa thông thương. Và đây cũng chính là điểm độc đáo của món ăn này, khiến nhiều người nhầm lẫn rằng măng đắng là nguyên liệu để chế biến cho phần nhân của món ăn.
Đối với phần nhân, nem măng đắng là một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo giữa thịt gà, củ kiệu, lá hẹ băm nhỏ, nêm nếm cùng một chút hạt tiêu và nước mắm. Công đoạn chọn thịt gà vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều đến hương vị và độ hấp dẫn khác biệt của món ăn. Gà nhất định phải là loại gà đồi, gà tơ nặng chừng 0,5 - 0,7kg. Sau khi gà được làm sạch, người đầu bếp sẽ băm nhỏ nhuyễn cả thịt, xương, gân lẫn sụn gà rồi để riêng.
Tiếp đến là công đoạn gói nem. Người làm nhất định phải khéo léo, tỉ mỉ đặt nhân vào từng chiếc lá măng, sau đó cuộn tròn đều lại sao cho phần nhân không bị rơi ra ngoài. Khi đã hoàn thành, nem măng đắng bắt đầu được đưa lên chảo dầu để rán chín vàng đều là xong. Khi ăn nem măng người ta không cắt nhỏ nem mà để ăn nguyên chiếc.
Nem măng vầu ăn nóng kèm nước mắm pha rất hợp vị. Có thể lúc đầu, nhiều người còn khá ái ngại về món ăn này vì sợ nó có vị đắng, chát khó ăn. Nhưng thực ra phải nếm thử rồi, người ta mới trầm trồ không ngớt về hương vị của món ăn đậm chất núi rừng Tây Bắc này. Vị đăng đắng đặc trưng của măng vầu đắng kết hợp với vị béo ngọt của thịt gà cùng mùi thơm từ các loại gia vị, khiến cho ai nấy đều muốn thưởng thức mãi không thôi.
Nem măng đắng là một món ăn vô cùng lạ miệng và hấp dẫn. Ngày nay, nem măng đắng được phục vụ tại rất nhiều các quán ăn, nhà hàng và du khách có thể dễ dàng thưởng thức nếu có dịp được đặt chân tới đây. Nếu có dịp được đặt chân tới Lào Cai và ghé thăm mảnh đất sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức món ăn này nhé.
Hương vị đăng đắng của măng biểu tượng cho tình yêu khổ hạnh, nhưng đâu đó vẫn có vị ngọt là minh chứng cho một tình yêu bền đẹp nơi núi rừng. Theo như lời kể của những người già dân tộc Tày, măng đắng chính là hóa thân của chàng Khôm và nàng Bók. Vì muốn bảo vệ trọn vẹn tình yêu đôi lứa mà cả hai người đã cùng nhau vượt qua sự khó khăn, cản trở, dắt tay nhau chạy trốn và tìm đến cái chết ở trong rừng sâu.
Chính vì thế, bà con đồng bào dân tộc Tày vô cùng quý trọng măng đắng, và coi đây giống như một đặc sản để chế biến thành những món ăn độc đáo của mình trong những dịp lễ hội đặc biệt.
Bình luận