Sinh con trong tâm lũ, sản phụ ăn mì tôm sống, uống nước lạnh cầm hơi

Thục Nhi Đăng lúc: Thứ năm, 22/10/2020 14:08 (GMT +7)
3 ngày sau sinh, chị Võ Thị Thu Kiều bị kẹt lại ở bệnh viện huyện Lệ Thủy vì cơn lũ bất ngờ, ngày ngày ăn mì tôm sống cầm cự trong cảnh điện cắt, nước mất.

Chị Võ Thị Thu Kiều, 25 tuổi, làm việc tại Sài Gòn, về quê xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chuẩn bị sinh nở. Gần ngày dự sinh, trời bắt đầu mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt sáu tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Khi nước rút bớt, chị trở dạ và được đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy sinh con, đó là ngày 14/10.

BV Đa khoa Lệ Thủy, Đà Nẵng bất ngờ trở thành tâm lũ và được các đội cứu trợ tới ứng cứu
BV Đa khoa Lệ Thủy, Đà Nẵng bất ngờ trở thành tâm lũ và được các đội cứu trợ tới ứng cứu

Chị sinh thường, bé trai nặng 3,2kg. Sinh xong chị yên tâm sau ba ngày sẽ được về nhà. Nhưng tới 17/10 khi đang khăn gói đợi xuất viện thì trời mưa to. Chỉ ít tiếng sau, cả bệnh viện ngập trong nước lũ, bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Lần đầu tiên chị Kiều tận mắt thấy dòng nước lũ tràn vào sân, qua bậc tam cấp và đổ vào sàn bệnh viện. 200 bệnh nhân và gần 50 bác sĩ, y tá nháo nhào chạy lũ. Gần 70 bệnh nhân tầng 1 được di chuyển lên tầng 2, tầng 3.

Chị Kiều vừa sinh xong, cần được kiêng cữ, nhưng trước tình hình nước lũ kéo vào, chị đã phải trút đôi tất ra, nhúng chân xuống dưới dòng nước lạnh buốt, chậm rãi vượt qua 48 bậc cầu thang để bế con lên tầng 2.

Anh Phong chồng chị kiều mang cơm đến cho vợ với cơm thịt heo, canh cá thu rau cải nóng hổi nhưng bị dòng nước lũ ngăn không vào được. Trong viện, chị Kiều và mẹ chồng chỉ còn 10 gói mì tôm mua vội lúc lũ bắt đầu đổ vào viện nhưng điện bị cắt, không đun được nước sôi, hai mẹ con chị phải ăn mỳ sống. Xung quanh, dọc các hành lang tối của bệnh viện, các sản phụ chờ sinh, sau sinh bị đau nằm lẫn lộn, tiếng trẻ sơ sinh khóc váng lên.

 Ảnh: VnExpress
 Ảnh: VnExpress

3 ngày liên tiếp, chị Kiều cùng mẹ chồng và con mới đẻ tìm mọi cách để trụ vững. May mắn em bé không khóc, không quấy nhưng bệnh viện bị lũ nên ngập nước, không có nước sạch dùng chị Kiều phải dành gói khăn ướt cuối cùng để lau cho bé con thay vì tắm. Còn lít nước trong chai, mẹ con Kiều chỉ dám uống dè, không dám đánh răng, rửa mặt. Mẹ chồng Kiều đi hết buồng trong, khoa ngoài xin tã của sản phụ mới vào. Sợ con dâu lạnh, bà lấy thân mình chắn vào đằng gió thổi, liên tục mở nắp lọ dầu chàm ra xức xức, xoa xoa vào lòng bàn tay, bàn chân, vào trán con dâu và đứa cháu nội. "Ngày xưa tau sinh nở 5 bận, không bận nào khổ như ri", bà khóc nói.

Bụng Kiều lúc nào cũng lục sục vì đói, nhưng mở gói mì ra lại thấy đầy bụng.

Đoàn cứu trợ thực phẩm đầu tiên đến vào tối 19/10, chính là chiếc ghe của chồng Kiều. Toàn thân ướt sũng, Phong chỉ vẫy tay với vợ, không kịp lên thăm con, đành bơi thuyền về ngay vì sợ đêm tối, nước mênh mông nguy hiểm. Anh mang theo túi quần áo bẩn vợ gửi mang về giặt. Bữa tối cứu trợ có cơm trắng, thêm 2 miếng thịt lợn kho và nửa quả trứng, Kiều ăn hết sạch.

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy được các đội cứu trợ tới cứu tế.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy được các đội cứu trợ tới cứu tế.

Tính đến sáng qua, 21/10, vẫn còn gần 300 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bị mắc kẹt tại bệnh viện đa khoa Lệ Thủy.

Hiện tại, các con số thống kế ban đầu cho thấy: mưa lũ tại Quảng Bình làm 7 người chết, 14 người bị thương; hơn 7.500 tấn lương thực (lúa, gạo) bị ướt; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị nứt gãy, hư hỏng; nhiều trường học, trạm y tế bị cô lập do ngập sâu 1 - 3m; 30.000 hộ dân trên toàn tỉnh phải di dời.

Băng rừng vượt lũ để đưa thi thể Đại úy hy sinh khi đi cứu trợ người dân Quảng Trị: Công an dầm mưa nhổ sắn, dọn bùn giúp dân vùng lũ
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp