Sư tử là loài mèo có kích thước lớn thứ hai sinh sống trên trái đất (chỉ đứng sau hổ). Chúng thường được phong cho tước hiệu là “Vua quái thú” hay “Chúa tể sơn lâm”, Những con mèo vương giả này từng sống trải dài và phiêu bạt ở rất nhiều lục địa như là Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, nhưng giờ đây chỉ còn lại một vài bầy đàn ở Châu Phi.
Các chuyên gia từ lâu đã công nhận hai nhánh của loài của sư tử, Panthera leo leo (sư tử châu Phi) và Panthera leo persica (sư tử châu Á). Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy sư tử từ Tây và Trung Phi có quan hệ họ hàng gần với sư tử châu Á hơn là sư tử từ các vùng phía Đông và phía Nam (theo Nhóm chuyên gia nghiên cứu loài mèo, một bộ phận của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)).
Năm 2017, Nhóm chuyên gia nghiên cứu về họ nhà mèo đã công bố kết quả phân loại sư tử, trong đó đã có sự phân hóa mới: Panthera leo leo (còn được gọi là phân loài phía Bắc) và Panthera leo melanochaita (phân loài phía Nam).
Panthera leo leo bao gồm quần thể sư tử ở Trung, Tây Phi (sư tử Tây Phi hoặc Senegal) và Ấn Độ (sư tử châu Á), cũng như các quần thể đã tuyệt chủng trước đây được tìm thấy ở Bắc Phi (sư tử Barbary), Đông Nam châu Âu, Trung Đông, bán đảo Ả Rập và Tây Nam châu Á. Panthera leo melanochaita bao gồm các quần thể sư tử từ các vùng phía Nam của châu Phi (sư tử Katanga và sư tử Đông Nam Phi), cùng với đó là là vùng Đông Phi (sư tử Masai và sư tử Ethiopia).
Mặc dù sư tử Tây Phi và sư tử châu Á tương đồng nhau về mặt gen di truyền, nhưng nhiều đặc điểm thể chất và hành vi của chúng lại hơi khác nhau đấy!
Sư tử châu Phi có thể phát triển chiều dài từ 9 đến 10 feet (3 mét), số đo này được tính từ đầu đến đuôi, với đuôi dài khoảng 2 đến 3 feet (60 đến 91 cm), theo Vườn thú Quốc gia Smithsonian. Chúng thông thường nặng từ 330 đến 550 pound (150 đến 250 kg), những con đực thậm chí còn có chỉ số cao hơn phạm vi đã đưa ra.
Sư tử châu Á (còn gọi là sư tử châu Á hoặc sư tử Ấn Độ) có kích thước nhỏ hơn một chút so với sư tử châu Phi. Chúng dài 6,6 đến 9,2 feet (2 đến 2,8 m) tính từ đầu đến đuôi và nặng từ 242 đến 418 pound (110 đến 190 kg), theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF).
Sư tử có một lớp da mỏng ở phần giữa của cơ thể, điều đó giúp bảo vệ chúng khỏi những cú huých của con mồi đang điên cuồng kháng cự. Sư tử châu Á cũng có một nếp da chạy dọc bụng, một đặc điểm hiếm thấy ở sư tử châu Phi, theo Tổ chức Nghiên cứu Môi trường và Sư tử châu Phi ALERT) - tổ chức nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã. So với sư tử châu Phi, sư tử châu Á có bộ lông xù xì hơn, búi lông dài hơn ở khuỷu tay và tua dài ở cuối phần đuôi.
Sư tử đực không chỉ lớn hơn sư tử cái mà còn có một bờm lông dày đặc biệt bao quanh đầu, thứ mà con cái không có. Theo Sở thú San Diego, bờm cũng bảo vệ cổ của con đực khi tranh giành lãnh thổ hoặc trong quá trình tiếp cận giao phối. Sư tử châu Phi có xu hướng mang bộ bờm to lớn, uy nghiêm hơn so với những người anh em châu Á của chúng.
Sư tử châu Phi sống ở Angola, Botswana, Mozambique, Tanzania, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và các khu vực khác của châu Phi cận Sahara (Thông tin theo Sở thú Cincinnati ở Ohio)
Sư tử châu Á thì chỉ được tìm thấy ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, nơi chúng hầu hết cư trú trong Vườn quốc gia Sasan Gir được bảo tồn rộng 545 dặm vuông (1.412 km vuông). Chính phủ Ấn Độ đã chỉ định vùng đất này bao gồm một khu rừng rậm rạp đồng cỏ xanh mướt, rừng cây bụi và những ngọn đồi đá - là khu bảo tồn động vật hoang dã vào năm 1965. Ngoài việc là nơi cư trú cho hơn 500 con sư tử và 300 con báo, vườn quốc gia còn là mái nhà sinh sống của các loài động vật khác như hươu, linh dương, chó rừng, linh cẩu, cáo, bò sát và hơn 200 loài chim.
Sư tử là loài mèo có xã hội riêng và sống trong các nhóm được gọi là bầy đàn. Tuy nhiên, bầy đàn của sư tử châu Á và châu Phi rất khác nhau.
Bầy đàn sư tử châu Phi thường bao gồm tối đa ba con đực trưởng thành và khoảng một chục con cái và các con non, theo Vườn thú Hạt Sedgwick (ở Wichita, Kansas). Tuy nhiên, một số bầy đàn có thể mở rộng thêm với số lượng cực kỳ lớn với tối đa 40 thành viên. Những con sư tử cái trong bầy thường có quan hệ họ hàng với nhau để duy trì “xã hội” sống, trong khi những con đực trưởng thành phải rời bỏ nơi chúng sinh ra để đi tìm vùng đất mới, tạo ra bầy đàn của riêng mình khi đủ lớn.
Tuy nhiên, sư tử đực châu Á lại không được chung tình và có trách nhiệm với vợ con như thế. Nó không sống với những con cái mà nó tạo bầy đàn, trừ khi bó đang giao phối hoặc đang cùng nhau săn mồi.
Sư tử châu Phi có xu hướng săn các động vật lớn như linh dương, ngựa vằn, heo, tê giác, hà mã và linh dương đầu bò. Sư tử châu Á cũng săn các động vật lớn bao gồm trâu, dê, nilgai (một loài linh dương lớn của châu Á), hươu đốm và nai.
Sư tử có thể giết những con vật nặng tới 1.000 pound (450 kg) (Vườn thú Quốc gia Smithsonian), nhưng chúng cũng sẽ săn các động vật nhỏ hơn như chuột và chim khi không còn sự lựa chọn khác.
Sư tử cái là những kẻ săn mồi chính của bầy đàn, chúng hợp tác cùng nhau, tổ chức các buổi đi săn để bao vây và hạ gục con mồi. Sư tử có thể chạy tới 50 dặm/giờ (80 km/h) trong khoảng cách ngắn và nhảy xa tới 36 feet (11 m), gần bằng chiều dài của một chiếc xe buýt trường học (theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới). Để giết con mồi, sư tử sử dụng bộ hàm cực khỏe của mình để ngoạm hoặc siết cổ con vật xấu số cho đến chết.
Đôi khi, con đực sẽ tham gia hành động săn mồi, đặc biệt nếu con mồi có kích thước lớn như voi hoặc trâu nước. Ngoài ra, công việc chính của con đực là bảo vệ bầy đàn, trong khi sư tử cái săn mồi theo từng nhóm. Những con đực châu Phi sống một mình phải tự đi săn và có xu hướng thích ẩn náu trong những lùm cây cối rậm rạp, chúng sẽ tham gia săn bắn theo kiểu phục kích (Tạp chí Smithsonian)
Sư tử thường săn mồi vào ban đêm và thường ẩn nấp xung quanh các hố nước, suối và sông, vì những khu vực đó là nơi con mồi hay lang thang. Sư tử cũng sẽ lùng sục và không ngần ngại ăn lại đồ thừa, thậm chí ăn trộm đồ ăn của những kẻ săn mồi khác (ALERT).
Sư tử đực đạt đến độ tuổi trưởng thành về mặt sinh dục khi chúng được khoảng 2 tuổi, theo một bài báo nghiên cứu xuất bản năm 2018 trên tạp chí Zoo Biology. Tuy nhiên, sư tử đực không có khả năng sinh sản trước 4 hoặc 5 tuổi, vì chúng phải đủ trưởng thành để cố gắng chiếm lấy một bầy đàn riêng và khẳng định quyền giao phối với những con cái theo bản năng (ALERT).
Những con đực từ 16 tuổi trở lên vẫn có thể sản xuất tinh trùng nhưng thường mất quyền giao phối khi chúng không còn đủ sức để có thể chiến đấu với những con đực khỏe hơn. Sư tử đực châu Phi khi cố gắng chiếm lấy bầy đàn sẽ giết chết tất cả các con non của kẻ thống trị cũ để giảm sự cạnh tranh.
Hầu hết sư tử cái sinh con khi chúng được 4 tuổi. Thời gian mang thai của sư tử là khoảng bốn tháng. Những con cái sẽ sinh con non của chúng cách xa những con khác và sẽ giấu con non trong sáu tuần đầu tiên sau khi chào đời. Khi mới sinh, đàn con chỉ nặng khoảng 2 đến 4 pound (0,9 đến 1,8 kg) và chúng hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ.
Tất cả những con cái trong bầy đàn sẽ giao phối cùng một lúc. Sau sáu tuần đầu tiên nuôi dạy đàn con một mình, người mẹ và đàn con sẽ trở lại trong niềm hân hoan. Những con cái khác trong bầy cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng tất cả con non khi chúng còn nhỏ, thậm chí còn nuôi dưỡng đàn con của những bà mẹ khác.
Sư tử được liệt kê là giống loài đang báo động trong Sách đỏ các loài động vật bị đe dọa của IUCN. Khoảng 75% quần thể sư tử châu Phi đang suy giảm; số lượng cá thể toàn cầu hiện tại của chúng ước tính khoảng 20.000 con trong tự nhiên, theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF). Số lượng sư sử đã giảm gần 50% trong vòng hai thập kỷ qua vì những vụ trả đũa của người dân có gia súc bị sư tử ăn thịt, cũng như nạn săn bắt động vật quý hiếm và mất môi trường sống.
(Theo LiveScience)
Bình luận