Tiếp tục là những bức chân dung “vô diện”. Những thân người không mắt mũi mồm miệng, chỉ có hình hài trần trụi, tơ hơ lồ lộ, nhỏ nhoi giữa nhân gian, như những đứa trẻ ngây ngô đi tìm chỗ trốn, cứ nghĩ chỉ cần nấp mặt đi, không nhìn thấy ai là cũng chẳng ai thấy mình.
Nguyễn Công Hoài luôn đặt nhân vật của mình vào một không gian hẹp. Và lần này còn hẹp hơn nữa. Những hình hài vì thế càng trở nên trơ trọi và cô độc, chông chênh và bé mọn, sợ hãi và bất lực, buông xuôi và vô vọng, run rẩy và lì lợm trong đủ tư thế co quắp, che chắn, né đỡ, vặn vẹo không có lấy một chút lực nào của sự chống trả. Vẫn là những ẩn ức đau đớn, rệu rã thường thấy ấy, nhưng có gì đó đã khác xưa. Những nhát bay như dịu hơn, ánh sáng bao quanh những hình hài mịn và ấm, đường viền thân thể chắc và đậm. Cảm giác như một sự an ủi lặng lẽ.
Triển lãm lần này, Nguyễn Công Hoài mượn 4 câu Kiều của Nguyễn Du thay cho lời tựa: “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Trong kiếp nhân sinh, dù theo Chúa hay theo Phật cũng không thoát được thân người, đều yếu đuối và hèn mọn, Hoài bảo vậy. Nhận ra cái khổ của kiếp người, cái hữu hạn bé mọn của thân người tựa hồ một sự tỉnh thức mới giải phóng cho những hình hài trong tranh của Nguyễn Công Hoài. Những thân thể rã nát bệu xệu xước xát sưng tấy tự cầu nguyện trong hành trình đi đến sự mục ruỗng, tan biến. Chưa hẳn là bình thản, nhưng có chút gì đó hân hoan trong những vệt màu đơn sắc tươi tắn và dịu dàng.
Có một sự chuyển biến nhìn thấy trong tâm tư của người họa sĩ. Một điều gì đó gần với tha thứ và bao dung cho chính mình. Vẫn say đắm trong từng biểu hiện cơ thể nhưng đã lắng đi rất nhiều dữ dội, khốc liệt khiến người đồng thanh - đồng khí dễ nức nở, thảng thốt. Tranh của Hoài so với 1 năm trước - khi anh làm "Những ngày không mơ mộng" ở 29 Hàng Bài - đã khác, mà so với "Ngột, ngộp" của 4 năm trước tại Đông A Gallery lại càng khác. Xưa là kẻ thay đấng tối cao tự phán xét, soi rọi, mổ xẻ, vi phẫu chính mình và cuộc đời, nay là kẻ lặng lẽ ngắm nhìn vết thương của mình mà không còn cố gắng lý giải, chấp nhận nương theo sự băng hoại của tạo hóa. Lặng lẽ nằm nghe những tàn phai.
Xem tranh Hoài, người lạ có thể thấy sự khốc liệt, người quen lại thấy sự lãng mạn. Thực ra có thể can đảm đối mặt với khốc liệt để phơi bày nó lên mặt toan như xưng tội đã là một sự lãng mạn rồi. Nhưng lần này Hoài lãng mạn hơn hẳn. Không chỉ là cái tên triển lãm mượn tên một ca khúc của Trịnh, cái đề từ mượn thơ cụ Nguyễn, mà còn ở cái màu vàng an ủi mà Hoài dùng nhiều hơn cả thói quen vẫn dùng nhiều màu vàng của mình.
***
Cách mà Nguyễn Công Hoài lao động nghệ thuật vẫn luôn là thứ khiến những ai cảm mến tranh của anh phải ngưỡng mộ. Hoài làm việc không mệt mỏi, mà như anh đã nói nhiều lần, làm việc như một công chức mẫn cán, thay vì dật dờ mông lung chờ cảm hứng nghệ thuật. Cũng có thể năng lượng trong anh quá lớn, những cảm xúc quá dữ dội đòi hỏi phải được giải phóng khỏi tâm trí. Cũng có thể, những ẩn ức riêng tư liên tục dày vò cần được giãi bày. Hoặc cũng có thể chỉ vì quá yêu cuộc đời mà nếu một ngày không vẽ về nó sẽ cảm thấy sống thừa sống phí. Đôi khi còn là cả lý do không mấy lãng mạn, phải vẽ trong sự thúc bách của những gì vật chất nhất trong trách nhiệm một người đàn ông trụ cột gia đình.
6 năm qua là 6 năm sáng tác sung mãn nhất của Nguyễn Công Hoài. 6 năm với 5 triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm nhóm khác. Lần trở lại này hay dở thế nào, có tạo nên hiện tượng trong giới sưu tập như với "Những ngày không mơ mộng" hay không thì còn phải chờ đợi. Nhưng dù thành công hay thất bại, với Hoài, mọi triển lãm cũng chỉ là “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Rồi anh sẽ lại về Đồng Nai, cởi trần, mặc quần jeans rách cũ kỹ, ngồi trong xưởng, ngày ngày ghi chép những tâm tư, cảm thọ của mình lên toan như đã thế và luôn thế.
Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984 tại Quảng Trị, là một trong những gương mặt họa sỹ đương đại nổi bật. Nghe những tàn phai là triển lãm cá nhân thứ 5 của anh sau các triển lãm: Những người xung quanh tôi (2015), Mặt (2016) và Ngột ngộp (2018), Những ngày không mơ mộng (2021). Nghe những tàn phai sẽ diễn ra từ ngày 26/2 - 10/3 tại Không gian nghệ thuật May (số 36/70 Nguyễn Gia Trí, P. 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). |
Bình luận