Em và Trịnh quy tụ dàn diễn viên hùng hậu và đa dạng, từ những tên tuổi "gạo cội" như Trần Lực, Trọng Trinh, Khánh Huyền, Chiều Xuân... đến những gương mặt trẻ, lần đầu dạm ngõ điện ảnh như Hoàng Hà, Bùi Lan Hương, Lan Thy.
Mặc dù bộ phim nhận về nhiều ý kiến trái chiều, người khen hay, người chê "sạn", nhưng không thể phủ nhận phần hình ảnh của bộ phim là một điểm cộng đáng khen. Từ hình ảnh Huế - Sài Gòn - Đà Lạt với thiên nhiên đậm chất thơ, những cú lia máy one shot đầy cảm xúc ở Tuyệt Tình Cốc, đến thời trang phim đều được chau chuốt, chỉn chu, chứng minh sự đầu tư bài bản.
Vốn dĩ, Em và Trịnh là câu chuyện đời của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từ khi còn trẻ cho tới lúc tuổi đã xế chiều, nên bối cảnh mà bộ phim khai thác cũng trải dài từ khoảng những năm 60 đến năm 90. Vì lẽ đó, trang phục xuất hiện trong phim được đạo diễn cùng đội ngũ thiết kế dụng tâm khoác lên nó sự hoài cổ với những gam màu trầm, tối.
Được biết, người đảm nhiệm phục trang cho bộ phim là Thủy Nguyễn (Thủy Design House) - NTK từng góp phần vào sự thành công về mặt hình ảnh cho phim Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể...
Bên cạnh "Trịnh" là nhân vật trung tâm của tác phẩm, những "Em" của bộ phim bao gồm Michiko, hai chị em Bích Diễm - Dao Ánh, Thanh Thúy, Khánh Ly... đều là những mắt xích quan trọng mà khi kết nối, sự hiện diện của họ giúp kể một câu chuyện liền mạch, đầy thăng trầm về cuộc đời của người nhạc sỹ tài hoa. Họ - tất cả những người phụ nữ mà bộ phim liệt kê đều đã được "điển hình hóa", đẩy cao cái tôi thân phận để đại diện cho một kiểu tính cách khác nhau. Vì vậy dù sống cùng thời kỳ, trang phục của những Michiko, Dao Ánh, Khánh Ly... vẫn có nhiều nét khác biệt.
Michiko là một nghiên cứu sinh người Nhật, có cơ hội gặp gỡ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại Pháp. Cô dành tình cảm đặc biệt cho nhạc sỹ cũng như âm nhạc phản chiến của ông. Mặc dù Michiko và Trịnh Công Sơn đã đi đến bước kết hôn, nhưng sau đó Michiko lại quyết định hủy hôn vào phút cuối.
Trong Em và Trịnh, để xây dựng hình ảnh cô gái trẻ Michiko tươi mới, tràn đầy sức sống, stylist đã lựa chọn cho Michiko mái tóc bob uốn phồng cụp, mái ngang, lay-out trang điểm tự nhiên làm nổi bật làn da trắng và vẻ đẹp thanh thuần, tươi tắn. Về trang phục, Michiko thường xuyên mặc áo sơ mi dáng oversize kiểu cổ điển với quần baggy hoặc chân váy, nhấn nhá bằng những phụ kiện nhỏ nhắn như khăn quàng cổ.
Trong Em và Trịnh, Bích Diễm chỉ xuất hiện trong 3 phân cảnh, trong đó đã có 2 phân cảnh cô mặc áo dài: một bộ màu trắng nữ sinh và một bộ màu hồng tro nữ tính. Mặc dù không có nhiều đất diễn, nhưng vẻ đẹp diễm lệ của nữ diễn viên Lan Thy đã khiến khán giả đồng cảm với mối tình si mà Trịnh Công Sơn đã dành cho Bích Diễm. Ngay cả khi tình cảm ấy thoáng qua như cơn mưa mùa hạ, thì vẻ đẹp của Diễm vẫn hiện diện, dẫu sự hồi đáp từ nàng có xa vời vợi.
Dao Ánh là được cho là mối tình sâu sắc nhất của Trịnh Công Sơn. Trong phim, tình cảm mà Trịnh Công Sơn dành cho Dao Ánh là thứ rung động nam nữ khắc khoải, đẹp đẽ, nhưng cũng buồn tịnh lặng và đầy trăn trở, trái ngược với nét ngây thơ, tươi sáng mà Dao Ánh phản chiếu vào cuộc đời người nhạc sỹ. Về tạo hình, Dao Ánh gắn liền với hình tượng nữ tính của thiếu nữ những năm 50, với những chiếc váy xếp li xòe rộng bó sát tôn vinh vòng eo con kiến.
Trong số những "nàng thơ" của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly (tên thật Lệ Mai) dường như là người có lối ăn vận sành điệu và thời trang nhất. Vốn là một ca sỹ phòng trà, khán giả có thể cảm nhận không khí quốc tế thời đại tỏa ra từ cô gái này: Phong cách thời trang Mod, lối trang điểm và làm tóc đặc sệt cô siêu mẫu Twiggy - tượng đài phong cách những năm 60.
Mặc dù Thanh Thúy chỉ xuất hiện vài cảnh lẻ tẻ trong Em và Trịnh, vai diễn này vẫn để lại ấn tượng sâu đậm về một nữ hoàng phòng trà mang vẻ đẹp sắc sảo. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tạo hình cho Thanh Thúy lại lộng lẫy đến thế, bởi cô từng là giai nhân số 1 Sài Gòn lúc bấy giờ, kẻ đón người đưa tấp nập. Thanh Thúy cũng được cho là nguồn cơn để Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc "Ướt mi" - tác phẩm âm nhạc đầu tay của ông.
Như vậy, có thể thấy, tạo hình "Em" - những "nàng thơ" của Trịnh đều được đầu tư vô cùng chỉn chu. Mặc dù mang tính cách và cuộc đời khác nhau, người nhu mì yếu đuối, người chân thành nồng nhiệt, người dịu dàng xa cách... nhưng mỗi người lại mang vẻ đẹp riêng, làm một nốt nhạc khác biệt, gộp lại, đan xen lẫn nhau để trở thành khúc nhạc thủ thỉ, đủ đầy về một trong những nhạc sỹ tài hoa bậc nhất của nền Tân nhạc Việt Nam.
Một điều rất thú vị là trang phục được sử dụng trong Em và Trịnh đa phần là những bộ trang phục style vintage có chút cũ kĩ, nên nếu yêu thích, khán giả hoàn toàn có thể tìm kiếm những chiếc quần baggy của Michiko, váy xòe xếp li của Dao Ánh hay chân váy chữ A của Khánh Ly ở những cửa hàng đồ cũ.
Bình luận