Bạn Trần Đường - 32 tuổi đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, một người làm nghề thêu tay thủ công mới đây đã chia sẻ trên một diễn đàn thời trang câu chuyện trải nghiệm của bản thân liên quan đến việc phẫu thuật hàm răng.
Đó là hành trình của cô gái trẻ bắt đầu từ giai đoạn thiếu niên, tự ý thức về việc hàm răng của mình có chút không giống với mọi người, bị hàng xóm gọi là "vịt Donald", đến thời điểm người nhà (cụ thể là mẹ) quyết định can thiệp, động viên cô đi chỉnh nha, niềng răng nhưng cứ chỉnh hoài, tốn bao nhiêu thời gian, tiền bạc và công sức mà mãi răng chưa đẹp.
Nguyên văn lời chia sẻ của Trần Đường như sau:
“Hôm nay, mình sẽ kể cho mọi người nghe một câu chuyện buồn. Chẳng là mình hơi bị dư canxi, nhưng phần dư này lại chẳng được xài đúng chỗ, nên thay vì bồi đắp cho mình thêm miếng xương cẳng chân, thì nó lại dồn hết vào bộ nhá. Môi mình lại còn cong nữa nên thường hở thấy răng. Từ nhỏ, mọi người ở khu cư xá rất hay chọc mình, kêu mình là vịt Donald.
Thế là năm mình 15 tuổi, mẹ quyết định cho mình đi niềng răng.
Lúc này, có một người quen giới thiệu một nha sĩ tên Q - là bạn của anh ấy. Nha sĩ Q, sau khi khám cho mình xong, thì bảo anh ấy nhận ca của mình. Chi phí lúc đó nếu mình nhớ không nhầm là 11 triệu. Trong lúc chỉnh sửa răng cho mình, anh Q có nhờ 1 chị tên L hỗ trợ. Sau này, mình nghĩ là anh ấy không rành về niềng răng, hoặc là ca của mình khó. Bởi vì thường khi mình đến khám những buổi sau này, anh Q khám qua, làm phần vệ sinh, sau đó khi chị L đến, chị ấy mới xem xét, chỉnh sửa lại, cũng chính chị L là người lấy phần mẫu hàm của mình (không biết gọi vậy có đúng không). Mình còn nhớ hoài câu chị L nói “Niềng xong rồi sẽ xinh lên thôi” Với một cô nhỏ luôn bị coi là xấu so với em gái, mình thực sự tin chị và rất trông chờ.
Nhưng đời không như là mơ. Mặc cho bốn cái răng ra đi, mặc cho những buổi chỉnh răng đau buốt đến độ mình chỉ có thể húp cháo gần như cả tuần, mình không những không xinh hơn, mà lại càng xấu xí đi. Vành môi trên của mình, khi cười mỉm, lật cả ra ngoài, và nếu cười lớn thì ôi thôi. Mẹ mình nghĩ rằng là do nướu mình dài, và thường bàn với mình chuyện cắt nướu hoặc hạ môi xuống. Nhưng lúc này mình đã vào đại học rồi, chuyện phải chạy theo các đồ án làm mình lờ nó đi. Thêm nữa, lúc này mình cảm thấy mình trông cũng được mà. Hẳn là mình đã quen với hàm răng hô của bản thân nên không còn thấy nó tệ hại. Nhưng mẹ vẫn đau đáu trong lòng. Tiếp đến lại xảy ra một chuyện. Tầm năm 2010, khi mình đang học năm 3, mình và những người bạn khi ấy đã có một cuộc cãi cọ. Chuyện tưởng như xong thì người đó lại lên face đăng status mắng mình là “hở hàm ếch”. Mình chẳng cảm thấy gì (còn nghĩ người đó thật ngốc nghếch, chẳng biết hở hàm ếch trông như thế nào). Nào ngờ mẹ mình đọc được và để trong lòng (mẹ mình quan hệ rất tốt với bạn bè mình, mình cũng quan hệ rất tốt với bạn của mẹ, nên hai mẹ con đều có face bạn bè nhau.) Giờ nghĩ lại, chắc mẹ đau lòng nhiều. Năm 2011, khi đang làm tốt nghiệp thì do một vài lý do cá nhân, mình hoãn lại. Mẹ mình túm lấy cơ hội này, xách mình đến bệnh viện Răng Hàm Mặt. Trong lúc vệ sinh răng trước khi chuyển xuống cho nha sĩ chuyên ngành khám, cô nha sĩ còn kêu mình là hàm này phải niềng rồi. Mình ngạc nhiên quá đỗi. Mình bảo cô là mình đã niềng rồi, thì lúc này cô đáp “vậy à”. Sau đó, mình theo cái số thứ tự, đến khám với một bác sĩ trẻ. Mẹ mình hay nói là đôi khi, chỉ cần nhìn ánh mắt sẽ biết người ta nghĩ gì. Khi mình thấy cái cách anh ấy nhìn mình, mình đã nghĩ “rồi xong, ca khó rồi.” Sau đó anh ấy gọi điện thoại, rồi chỉ mình lên một phòng khác. Đây là lúc mình gặp bác sĩ Lê Tấn Hùng, vào thời điểm đó là phó khoa của Răng Hàm Mặt. Bác sĩ giải thích cho mẹ và mình hiểu rằng mình không phải bị hô răng, mình bị hô hàm. Quá trình niềng răng lúc trước đã tạo một lực khiến răng quặp vào và hàm càng hô thêm ra. Hàm trên thì vậy, còn hàm dưới thì thẳng băng, gần như mình không có cằm luôn. Tóm lại là mình phải mổ, mà còn không phải là một ca tiểu phẫu nhỏ nhắn gì. Tổng chi phí dự trù là 52 triệu.
Lúc nghe con số này, mình nghĩ “quào quào, nhiều tiền quá. Chắc mẹ không làm đâu.” Ai ngờ mẹ chốt cái rụp. Thế là hai tuần sau, mình lên bàn mổ. Thật ra lúc đó mẹ muốn mình mổ liền cơ, nhưng mình có nhận lời hát trong một buổi văn nghệ của trường Nhân Văn nên hoãn lại. Trước hôm mổ, mình còn làm một số xét nghiệm, ký một số giấy tờ, rồi bác đưa mình lên gặp trưởng khoa. Mình nghe bác sĩ Hùng trình bày với bác sĩ trưởng khoa rằng sẽ thực hiện ca mổ của mình theo phương pháp đã được trình bày ở Nghìn Năm Thăng Long (mình không hiểu đại lễ đó có liên quan gì nữa, cũng có thể là họ có một buổi hội thảo gì đó ấy nhỉ) Bác sĩ trưởng khoa gật gật đầu rồi hỏi mình “ai đã niềng răng cho con” rồi “con có muốn đẹp không.” Mình chỉ khai ra đó là một phòng khám tại nhà. Còn đối với câu hỏi thứ hai thì dĩ nhiên là “dạ” rồi.
Thế là mình lên bàn mổ, nằm ngáy o o 5 tiếng. 5 tiếng sau tỉnh dậy, mình tưởng mặt mình phải ghê rợn lắm. Ai ngờ chỉ giống như mập lên sau một đêm thôi. Chị cùng phòng bảo là da mình tốt, chứ chị ấy và cả cô bé vừa về nhà đều bị sưng tím tái. Chị cùng phòng bảo bé ấy bị cằm chim, tức là hàm dưới nhô dài ra, còn chị cùng phòng cười bị hở lợi xí thôi, nhưng chị ấy muốn đẹp hơn nên trốn người nhà đi mổ, nhờ bạn vô trông bữa đầu. Mà chị ấy mũi cao, da trắng, mình thấy đã xinh lắm rồi, nên mình hay bảo chị ấy phí. Chị ấy cũng gật gù. Thật là bà chị dễ thương.
Sau đó mình đã kiên trì ăn cháo và đồ mềm hết nguyên năm. Chị cùng phòng mình thì gan dạ hơn, mới mấy tháng, chị ấy đã ăn cơm bình thường rồi. Về sau, mình bị mất số điện thoại cũ nên không liên lạc với chị ấy được nữa.
Mình hiểu nôm na, kỹ thuật mổ của bác sĩ Hùng là thế này: Họ nhổ thêm 4 cái răng của mình: hai cái hàm trên và hai cái hàm dưới, tạo ra một khoảng trống, sau đó (chắc là) cưa hàm mình ra, rồi gọt giũa sao đó cho nó nhỏ lại (này mình không chắc lắm, vì mình ngủ mà)
xong lắp vào. Kỹ thuật này hoàn toàn không để lại bất kỳ sẹo ở đâu trên gương mặt mình, và cả trong khoang miệng mình. Bác sĩ còn lẹm vào một miếng cho mình có cằm nữa. Ca của mình chắc là ca khó, vì chị cùng phòng chỉ mổ có 3 tiếng thôi, thêm nữa là khi mình còn ngủ, mẹ mình kể có một bác sĩ mặc thường phục đến nhìn mình đắm đuối. Mẹ mình tưởng là người nhà bệnh nhân nào đó nhận lầm con, đến khi y tá đến nói chuyện mới biết là bác sĩ.
Mất một năm để mặt mình hết sưng hoàn toàn và tháo chỉ thép trong răng ra, và mình chỉ bị đau khi y tá lấy ven sai khi truyền thuốc cho mình thôi. Còn lại thì mình không hề bị đau đớn gì. Sau một tuần thì mình được về nhà. Và đến giờ thì hàm mình vẫn tốt, lắm lúc mình còn nhai đá nữa.
À mà thật đáng tiếc, môi mình vẫn hở chứ không khép lại như mẹ mong muốn.
Thật là đời không như mơ mà.”
Thông qua chia sẻ của Trần Đường, có thể thấy điều đã lay chuyển ngoại hình, thậm chí tương lai của cô chính là tình yêu của mẹ. Mẹ cô, hơn ai hết là người chứng kiến những trêu chọc ác ý của hàng xóm dành cho con gái. Tuy Trần Đường hồn nhiên, vô tư và chẳng quá để tâm, nhưng mẹ cô thì không như vậy. Mẹ cô hiểu rằng phụ nữ có khuyết điểm về nhan sắc thì không phải lỗi do bản thân họ, nhưng sau cùng thì họ vẫn là những người trực tiếp chịu thiệt thòi. Cho nên, câu chuyện của Trần Đường không chỉ là một câu chuyện riêng lẻ về chỉnh hàm, sửa răng. Đó còn là câu chuyện về nỗi lòng người mẹ, về "phụ nữ thấu hiểu phụ nữ" và mong muốn mỗi phụ nữ đều có thể đẹp hơn, vui vẻ và hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Bình luận