Làng điện ảnh miền Nam trước năm 1975 chứng kiến nhiều biến động với loạt dòng phim giải trí từ các nhà làm phim nghệ thuật chân chính. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến 4 nữ nghệ sĩ từng được báo chí và khán giả phong là "tứ đại mỹ nhân" gồm là Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga và Kim Cương. Những người đẹp này không chỉ tài năng xuất chúng trong làng nghệ thuật ở Sài Gòn xưa mà còn được nhớ đến là những giai nhân tuyệt sắc được nhiều thế hệ yêu mến.
Kiều Chinh sinh năm 1937, là người con gốc Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1954. Hai năm sau, bà kết hôn với người con trai của gia đình ân nhân đã cưu mang và sinh ra 3 người con. Kiều Chinh sở hữu nhan sắc diễm lệ, tinh tế của người con gốc Hà Thành pha lẫn nét đẹp khá hiện đại đến nỗi người ngoại quốc cũng phải thổn thức.
Cơ duyên điện ảnh đến với Kiều Chinh vào năm 1957 qua tác phẩm "Hồi chuông Thiên Mụ" gặt hái thành công vang dội. Bộ phim này cũng giúp tên tuổi bà sớm nổi danh khắp Sài Gòn. Từ đó trở đi, nữ diễn viên nhận được nhiều dự án điện ảnh lớn trong nước, thậm chí còn được các nhà làm phim Hollywood săn đón bởi nét diễn chân thật và vẻ đẹp cuốn hút. Cái tên Kiều Chinh khi ấy dần trở nên quen thuộc của điện ảnh đất miền Nam với loạt tác phẩm như Người Tình Không Chân Dung, Bão Tình, Hè Muộn, Chờ Sáng...
Đến năm 1975, bỏ lại ánh hào quang, Kiều Chinh cùng gia đình sang Canada lao động trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, niềm đam mê nghệ thuật đã thôi thúc bà tìm cách sang Mỹ sinh sống và tìm kiếm cơ hội tỏa sáng ở kinh đô điện ảnh thế giới ở tuổi 38. Dần dần, nữ diễn viên có cơ hội diễn xuất góp mặt trong 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ, trong đó có những bộ nổi tiếng như The Letter, Welcome Home (1989), Vietnam-Texas... Bà còn là diễn viên châu Á duy nhất lọt vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh Hollywood.
Năm 2003, Kiều Chinh được vinh dự nhận giải thưởng Thành tựu Suốt đời tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế. Cùng năm, người đẹp được trao giải Diễn xuất Đặc biệt tại Liên hoan phim Phụ nữ ở Torino, Ý. Thành tích này giúp Kiều Chinh trở thành nữ diễn viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt được những thành tích đáng nể này tại Hollywood.
Hiện tại, Kiều Chinh đang sinh sống ở Mỹ. Tuy nhiên, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại Việt Nam. Trải qua bao nhiêu năm, Kiều Chinh vẫn cho thấy vẻ đẹp mặn mà, bóng dáng dịu dàng của giai nhân Hà Nội một thời.
Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1940 tại Hải Phòng, là ngôi sao sáng giá nhất của điện ảnh thương mại miền Nam trước năm 1975 và cũng là một trong tứ đại mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn. Năm 16 tuổi, bà giấu gia đình đăng ký cuộc thi tuyển diễn viên của hãng phim Mỹ Vân và vượt qua hơn 2.000 đối thủ để giành giải nhất.
Từ sau khi góp mặt trong tác phẩm đầu tay "Người đẹp Bình Dương", Thẩm Thúy Hằng vụt sáng trở thành ngôi sao và là người đóng nhiều phim nhất trong thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970. Tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng thậm chí còn vươn ra ngoài khu vực châu Á. Mức cát xê khi ấy của bà thậm chí được xem là cao nhất trong số những nữ diễn viên làm nghệ thuật.
Sở hữu gương mặt trái xoan, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, môi trái tim và cằm chẻ duyên dáng, Thẩm Thúy Hằng hội tụ đủ tố chất của một minh tinh thời bấy giờ. Nhan sắc của bà khi đó được xem là chuẩn mực của cái đẹp và được nhiều cô gái ngưỡng mộ lấy cảm hứng.
Xinh đẹp và nổi tiếng là thế nhưng Thẩm Thúy Hằng sống khá kín tiếng và hầu như không vướng vào điều tiếng gì trong quá trình làm nghệ thuật. Cuộc hôn nhân đầu tiên của người đẹp Hải Phòng là theo sắp xếp của gia đình, họ có với nhau một bé gái nhưng cũng chỉ bên nhau được vài năm. Đến năm 1968, Thẩm Thúy Hằng gặp gỡ và tiến đến hôn nhân với GS.TS Nguyễn Xuân Oánh, hơn bà 20 tuổi. Năm 2003, Xuân Oánh qua đời, để lại mình bà lẻ loi bên 4 mặt con.
Từ năm 1981, Thẩm Thúy Hằng dần rút lui khỏi các hoạt động nghệ thuật, công chúng sau đó cũng hiếm khi gặp lại bà. Dù nhan sắc sau này đã khác xưa do biến chứng của phẫu thuật, nhưng nhắc đến Thẩm Thúy Hằng, người ta vẫn nhớ bà từng là mỹ nhân số một của Sài Gòn xưa.
Thanh Nga sinh năm 1942, được biết đến với danh xưng đệ nhất minh tinh Sài Gòn hay nữ hoàng sân khấu khi sở hữu tài sắc vẹn toàn đạt của sân khấu và điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975.
Thanh Nga bén duyên với sâu khấu từ năm 12 tuổi với vai phụ trong vở "Phạm Công - Cúc Hoa", đến năm 16 tuổi, bà đã trở thành cô đào nổi tiếng gắn liền với những vở cải lương kinh điển như: "Tiếng trống Mê Linh", "Nửa đời hương phấn", "Phụng Nghi Đình", "Thái hậu Dương Vân Nga"... Ngoài cải lương, Thanh Nga cũng tham gia một bộ phim điện ảnh.
Không chỉ có tài năng bẩm sinh, Thanh Nga còn gây thương nhớ bởi nhan sắc kiều diễm, e lệ của mình. Trong số những người theo đuổi bà, cậu Ba Thành - con trai chủ báo Saigon Mới si mê đến nỗi muốn tặng Thanh Nga tặng cả một rạp hát nhưng bị bà từ chối.
Từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, Thanh Nga sau đó đã tìm được chân lý của đời mình là ông Phạm Duy Lân. Họ có với nhau một con trai là Phạm Duy Hà Linh. Tuy nhiên, tổ ấm của Thanh Nga hanh phúc chưa được bao lâu thì bất ngờ rơi vào bi kịch thương tâm vào tháng 11/1978.
Còn nhớ đêm hôm đó, vợ chồng Thanh Nga cùng con trai Hà Linh và vệ sĩ riêng vừa đỗ xe trước cổng nhà thì bất ngờ bị hai kẻ lạ mặt lao đến dùng súng ngắn khống chế với ý định bắt cậu con trai 5 tuổi. Nghệ sĩ Thanh Nga lúc này phản ứng dữ dội, bà cố gắng giấu con trai sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Mục tiêu ban đầu không thành, hai tên lạ mặt sau đó đã sát hại vợ chồng Thanh Nga rồi bỏ trốn.
Cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga ở độ tuổi 36 đã khiến nhiều khán giả xót thương. Cho đến nay, nhan sắc lẫn tài năng của bà vẫn được công chúng biết đến và ngưỡng mộ.
Kim Cương xuất thân là ái nữ của một gia đình có dòng dõi quý tộc Huế có mẹ là nghệ sĩ hát bội nổi tiếng Bảy Nam. Do đó, Kim Cương cũng bén duyên với sân khấu ngay từ nhỏ. Vai diễn nhỏ nhất là lúc bà chỉ mới được 10 ngày tuổi với vai con Thị Màu trong vở "Quan Âm Thị Kính".
Sở hữu tài năng vượt trội trong cả lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, diễn xuất và viết kịch, Kim Cương sớm được phong tặng danh hiệu kỳ nữ. Ngoài diễn xuất, kỳ nữ sinh năm 1937 còn là người tiên phong cho kịch nói Sài Gòn sau năm 1975 và là người viết kịch bản kịch nói nhiều nhất Việt Nam.
Kim Cương còn được người ta nhớ đến bởi nhan sắc "hoa nhường nguyệt thẹn". Tài sắc của kỳ nữ Huế từng khiến thi sĩ Bùi Giang đem lòng si mê cả từ khi 19 tuổi cho đến khi qua đời. Nói về chuyện tình cảm, có lẽ Kim Cương là người đẹp hồng nhan bạc phận nhất trong số tứ đại mỹ nhân Sài thành xưa khi từng trải qua nhiều lần đổ vỡ.
Bù lại sau nhiều mối tình tan vỡ, Kim Cương hiện tại tận hưởng cuộc sống về già bình yên bên con cháu. Bà cũng là một trong những nghệ sĩ rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.
Bình luận