Vào dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam, tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" đã tồn tại và được gìn giữ từ nhiều thế hệ của người Việt. Đây là tục lệ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp thể hiện hy vọng đem lại sự may mắn, tài lộc cho gia đình.
Theo quan niệm của người xưa, muối cũng như gạo là những thứ không thể thiếu trong căn bếp mỗi gia đình, ngoài là biểu hiện cho sự ấm no, đầy đủ thì muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà của tình cảm gia đình, sự tốt đẹp trong các mối quan hệ bạn bè, làm ăn buôn bán, ngoài ra còn đem lại vận may và xua đi tà khí cho gia đình và người thân.
Theo tục xưa thì sau khi đón giao thừa hoặc vào ngày đầu tiên của năm mới, nhiều người lại mua những túi muối nhỏ về để lấy may. Những người bán muối rong cũng đong đầy bát, có ngọn cho khách chứ không gạt ngang để mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn.
Sau khi đem muối về nhà, người ta thường chia thành các túi nhỏ hoặc cho vào bao lì xì để tiện cất giữ. Người làm ăn buôn bán sẽ để túi muối ở quầy hàng mong đắt khách, người đi xa cũng bỏ vào vali một ít để lộ trình bình an.
Còn về tục cuối năm mua vôi, thường là vào những ngày cuối cùng của năm, đặc biệt là sau ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời (23 tháng Chạp) thì người dân sẽ mua vôi (loại nguyên liệu sơn nhà chủ yếu thời xưa) để quét lại tường nhà, cổng nhằm xóa đi những điều không may trong năm cũ, đến với khởi đầu mới tốt đẹp, tươm tất hơn.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu về các ý nghĩa dị bản của tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" còn là câu ngụ ý lời căn dặn của các bậc cha mẹ muốn nhắn nhủ con cái mua "muối mặn" đầu năm để ăn uống tiết kiệm, dành tiền mua "vôi mới" tức là tậu nhà mới vào cuối năm.
Xem thêm các bài viết về Tết Nguyên Đán tại 2Đẹp!
Bình luận