Nội dung chính
Không quá lời khi nói rằng, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn – Nhà sáng lập Sơn Kim Group là một "nữ cường nhân" thực lực trong giới kinh doanh Việt Nam tự cổ chí kim. Người phụ nữ mạnh mẽ này đã trải qua vô vàn thăng trầm trong cuộc sống và sự nghiệp để gây dựng lên một đế chế đa ngành nghề trải dài từ: thời trang, dược phẩm, ăn uống, bất động sản, phim trường....
Chặng đường gây dựng lên tập đoàn Sơn Kim của bà Sơn và sự kế thừa, "phát dương quang đại" của các con bà sau này cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết tới.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn là người sáng lập nên đế chế kinh doanh Sơn Kim (gia tộc Sơn Kim) hùng mạnh. Hiện tại, bà Sơn không còn tham gia vào công việc kinh doanh của con cháu nhưng vẫn là người phụ nữ quyền lực nhất trong gia tộc.
Bà Nguyễn Thị Sơn là người gốc Bắc Ninh, gia đình bà sau đó dời lên Hà Nội. Bố của bà học về luật còn mẹ bà mở một tiệm bán vải lụa ở phố Khâm Thiên. Sau đó, năm 1954 cả nhà bà di cư vào Huế sinh sống 2 năm rồi vào Sài Gòn năm 1956. Tại đây, mẹ của bà Sơn lập nên tiệm may Đại Thành, phân phối sỉ lẻ khắp các chợ Thủ Đức, Tam Hiệp, Chợ Lớn, Bến Thành, Gò Vấp... và ra cả các tỉnh miền Trung. Đây là tiền đề giúp tôi luyện nên một nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn từ trong trứng nước.
Bà Nguyễn Thị Sơn có 5 người con và 10 người cháu. 5 người con của bà lần lượt là : Hồng Vân - Hoàng Tuấn - Hoàng Anh - Hồng Trang - Hoàng Lâm.
Trong số các cháu của bà Sơn thì nổi bật nhất là thiếu gia Nguyễn Hoàng Việt và tiểu thư Nguyễn Khánh Linh đều là con của ông Hoàng Tuấn với vợ là bà Hồng Hạnh.
Một lần tự tay thiết kế áo cho nữ giới, bà Sơn nhầm lẫn nên thiết kế hạ cổ quá sâu. Nào ngờ chính chiếc áo hạ cổ sâu ấy lại hút khách vô cùng. Đơn đặt hàng tới tấp, sau đó gia đình bà quyết định đầu tư thành lập hẳn một nhánh riêng chuyên về thời trang cho phụ nữ và thanh thiếu niên để bà Sơn "start up" khi mới 18 tuổi.
Thời kỳ những năm 1970, chiến tranh tại Việt Nam lên tới đỉnh điểm. Có lúc, cả gia đình bà Sơn đã phải đi di tản khỏi Sài Gòn, bỏ lại tất cả, nhưng gặp bom đạn không thể đi được nên đành quay lại. Đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chồng bà Sơn, vốn là sĩ quan chế độ Ngụy quyền cũ, phải đi học tập cải tạo. Năm 1976, kinh tế tư nhân chính thức bị xóa sổ trên toàn miền Nam và cơ ngơi xưởng may Đại Thành của gia đình bà chuyển đổi thành HTX (hợp tác xã). May mắn là cha mẹ và cả bà Sơn đều rất nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi kịp thời với thời đại mới để giữ gìn được sản nghiệp gia đình.
Năm 1987 bà Sơn được Nhà nước giao trọng trách đứng đầu Công ty Legamex. Khi ấy bà mới ngoài 30, lại vừa trải qua nỗi đau mất chồng. Tuy nhiên bà vẫn đưa doanh nghiệp đi lên mạnh mẽ trở thành công ty may mặc lớn nhất Việt Nam khi ấy với hàng ngàn nhân viên, công nhân. Đồng thời xuất khẩu hàng may mặc đi khắp các nước Châu Âu, Châu Á...
Cuối thập niên 90, Ủy ban Thanh tra TP Hồ Chí Minh từng điều tra và ra quyết định đình chỉ toàn bộ công tác Ban Giám đốc Công ty Legamex với người đứng đầu là bà Nguyễn Thị Sơn. Sau đó, bà phải vướng vòng lao lý với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Khi ấy, gia đình bà một lần nữa đứng trước sóng gió cực lớn, đến mức cha bà đổ bệnh, con trai út của bà Sơn khi ấy 16 tuổi phải bỏ học vì sợ bị đàm tiếu. Phải đến gần 1 năm sau, bà mới được minh oan và được trả lại số cổ phần ở Legamex đã bị tịch thu trước đó.
Tháng 10/1998, bà Sơn giữ chức Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Bà một lúc kiêm cả việc đứng lớp giảng dạy, quản lý và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Với vai trò mới trong ngành hoàn toàn mới là giáo dục, bà tiếp tục thành công rực rỡ. Năm 2004, đề án thành lập trường Đại học Tư thục VCCI của bà và cộng sự được thông qua. Sau đó, bà Sơn thành lập CTCP Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á và xây dựng Trường THCS, THPT Duy Tân danh tiếng ở độ tuổi 60.
Hiện bà Sơn vẫn đang là Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Chủ tịch HĐQT – CEO của SEAEDI, một công ty do tất cả thành viên 3 thế hệ trong gia đình cùng góp vốn và tham gia điều hành.
Bà Sơn cùng chồng có 5 người con. Hiện tại, chị cả là bà Hồng Vân cùng chồng là ông Hồ Nhân quản lý công ty dược phẩm Nanogen - Bio (hiện tại ông Hồ Nhân đã trao lại quyền điều hành công ty cho vợ là bà Hồng Vân sau scandal với ca sĩ Hiền Hồ). Người con trai trưởng là ông Hoàng Tuấn là chủ tịch của Sơn Kim Land và Sơn Kim Retail (bất động sản, thời trang và may mặc). Người con trai kế là ông Hoàng Anh là chủ công ty sản xuất trà - cà phê Golden Mountain. Người con gái thứ 4 là bà Hồng Trang hiện là CEO Sơn Kim Mode – GS25 Việt Nam, còn người con trai út là ông Hoàng Lâm là nhà sáng lập công ty thiết kế nội thất Duy Quân.
Các dự án bất động sản thuộc loại "máu mặt" nhất đất Sài Gòn như Serenity Sky Villas, Indochine Park Tower (quận 3), The Metropole Thủ Thiêm (quận 2)... hay loạt chung cư cao cấp Gateway, Nassim, Metropolitan.... Sau đó, Sơn Kim Retail ra đời là công ty chủ quản của hàng loạt thương hiệu ở nhiều lĩnh vực đa dạng như: thời trang (VERA, Jockey, WOW), dịch vụ nhà hàng và ăn uống (Jardin des Sens, Kyo Watami, Mama Sen), chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, thương mại điện tử GS Shop, spa chăm sóc sức khỏe Health Spa, Jardin Des Sens, Mama Sens, KYO WATAM, Golden Mountain...; Ngoài ra, công ty dược phẩm sinh học Nanogen - Bio về sản xuất vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam hay trường THCS, THPT Duy Tân... đều nằm trong tay gia tộc Sơn Kim.
Đầu năm 2021, Sơn Kim Retail khánh thành Trung tâm phức hợp Sơn Kim Lifestyle Innovation Center (SLiC) chuyên về lĩnh vực thời trang, sáng tạo. Tính đến hết năm 2019, tổng giá trị tài sản của Sơn Kim Group được ước tính vào khoảng gần 8000 tỷ đồng với doanh thu hằng năm khoảng 800 - 1000 tỷ đồng (số liệu giai đoạn 2017 - 2019).
Trong số những người con của bà Sơn, không phải ai cũng có "máu kinh doanh" từ đầu, như bà Hồng Trang vốn là Thạc sĩ Sử học của trường Đại học Sư Phạm TP.HCM và theo nghề sư phạm. Sau này bà chấp nhận kiêm nhiệm việc điều hành Sơn Kim Mode – GS25 nhưng vẫn làm tốt cả hai vai trò. Ông Hoàng Anh, người con trai thứ 2 còn có sự nghiệp học vấn nổi trội hơn nữa khi tốt nghiệp thạc sỹ ở Úc sau đó lấy bằng tiến sỹ quản lý công nghệ tại Mỹ. Ông từng là Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng KENT Coledge liên doanh với Australia. Tuy nhiên cuối cùng, dường như gen kinh doanh nhiều đời đã thức tỉnh trong trái tim vị tiến sĩ tài ba này, dẫn đến việc ông dồn tâm huyết và thành lập nên thương hiệu trà - cà phê Golden Mountain
Ở tuổi thất thập, bà Sơn cho biết mình không có thời gian can dự vào các quyết định kinh doanh của con cháu. Song tất cả những vị chủ tịch, CEO hay giám đốc của những doanh nghiệp đình đám là thế hệ F1, F2 của gia tộc Sơn Kim đều thừa nhận, tiếng nói của bà Nguyễn Thị Sơn là tiếng nói có giá trị nhất.
"Một khi mẹ tôi đã nói hoặc quyết định cái gì, thì chúng tôi đều làm theo. Nhiều khi có thể không đồng thuận hoàn toàn với những quyết định của mẹ, nhưng chúng tôi luôn nghe theo, sau đó tự điều chỉnh bản thân hoặc sự việc để phù hợp", bà Hồng Vân, con gái lớn và là chị cả của 5 anh chị em cho biết. Tất nhiên, thế hệ các cháu của bà Sơn như Nguyễn Hoàng Việt, Nguyễn Khánh Linh... cũng không phải ngoại lệ khi luôn coi lời của bà Sơn là "kim chỉ nam".
Nữ doanh nhân năm nay đã ngoài 70 chia sẻ rằng, bà rất mê MXH Facebook, nơi bà có thể tìm thấy những người bạn cũ và mục tiêu của bà là mỗi ngày nhất định phải có ít nhất 1 status trên Facebook. Bà thích chia sẻ những cảnh đẹp, câu truyện cuộc sống cùng năng lượng tích cực cho mọi người thông qua nền tảng này. Ngoài ra, bà cũng rất làm thơ và rất hay đăng tải các bài thơ hay do chính mình làm hoặc tâm đắc nhất lên MXH.
Bình luận