Không phải ai trong số chúng ta cũng may mắn sở hữu ngôi nhà hay căn hộ với diện tích rộng rãi để có thể dành cho phòng bếp một không gian thoải mái, tiện nghi nhất có thể. Tuy nhiên, bạn đừng vội chán nản nhé! Yếu tố thiết kế - trang trí nội thất sẽ giúp chúng bù lại khuyết điểm về mặt diện tích.
Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu đến độc giả 4 phong cách thiết kế cho bếp nhỏ trở nên tươi sáng, cuốn hút. Tùy vào tình hình thực tế, bạn có thể linh hoạt ứng dụng để tạo ra các kết quả khác nhau. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, diện tích nhỏ lúc này chỉ còn là con số mà thôi!
1. Phong cách trang trại
Bạn sẽ nghĩ rằng các yếu tố cổ điển của thiết kế trang trại sẽ không phù hợp lắm với không gian bếp nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là là một trong những cách thiết kế nội thất phổ biến nhất và được ưa chuộng trong những năm trở lại đây. Lý do được đưa ra là nó giúp cho phòng bếp nhỏ thêm phần ấm cúng, mộc mạc, gần gũi với tự nhiên và chứa đầy tình yêu, cảm hứng sáng tạo của người đầu bếp tại gia.
2. Phong cách công nghiệp
Phong cách thiết kế Industrial (công nghiệp) trong nội thất cũng là gợi ý hoàn hảo cho phòng bếp nhỏ Nó dành cho người yêu thích sự phá cách, táo bạo nhưng cũng không mất đi sự tự nhiên và tinh tế. Phong cách công nghiệp thể hiện sự khỏe khoắn, năng động với vật liệu kim loại sáng bóng, nội thất sắc sảo, những đường ống dẫn hay tường gạch lộ ra ngoài,... Đặc biệt khi kết hợp với những chiếc đèn thả trần cùng phong cách thì nó càng tôn lên vẻ đẹp cho bếp nhỏ.
3. Phong cách Địa Trung Hải
Phong cách bắt nguồn từ các nước châu Âu ở phía bắc bờ biển Địa Trung Hải mang lại vẻ đẹp của biển xanh - cát trắng - nắng vàng cho phòng bếp nhỏ trở nên ấm áp và nổi bật hơn hẳn. Phong cách Địa Trung Hải mang lại cho khu vực nấu nướng - vốn nóng nực và bí bách - một sự cân bằng và hài hòa. Sự hài hòa này đến từ cách phối hợp màu sắc tươi tắn, nhẹ nhàng cho đến thiết kế nội thất trang nhã, gọn gàng.
4. Phong cách Scandinavian
Phong cách thiết kế nội thất quen thuộc nhưng chưa bao giờ lỗi mốt, đó là phong cách Scandinavian của người dân xứ Bắc Âu. Ưu điểm của nó là sử dụng gam màu trung tính, tươi sáng như trắng, xám, be nhạt,... làm phông nền trang trí. Kết hợp với màu sắc là vật liệu tự nhiên như gỗ, mây tre đan,... cho nội thất vẻ đẹp gọn gàng, thanh lịch, phát huy tối ưu công năng nhưng không rườm rà chiếm diện tích. Sự góp mặt của cây xanh cũng là yếu tố thổi hồn thiên nhiên vào không gian nấu nướng.
Bình luận