Mới đây, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội nghị thường niên năm 2020 với chủ đề mô hình tự chủ - vươn tầm thế giới.
Tại cuộc họp, PGS Vũ Hải Quân - Phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết trường luôn xác định tự chủ đại học là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước để phát triển giáo dục đại học. Đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.
Đồng thời, ông Quân cho rằng việc tự chủ đại học phải đi cùng trách nhiệm giải trình của trường đại học, thể hiện sự minh bạch của các bên liên quan, thường là qua báo cáo giải trình được xây dựng dựa trên chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động.
Chỉ số thứ hai chính là chất lượng đào tạo mà thước đo quan trọng nhất là khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, cũng như mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên.
Theo đó, trong thời gian tới, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục đi tiên phong trong việc nghiên cứu mô hình tự chủ phù hợp bối cảnh Việt Nam.
Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã hoàn chỉnh cơ sở pháp lý triển khai hoạt động tự chủ cho các trường đại học thành viên. Cụ thể, những trường đã được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ tài chính gồm: Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế - Luật và Đại học Quốc tế.
Sau khi được tự chủ, các đơn vị này sẽ thực hiện điều chỉnh học phí mới. Lãnh đạo các trường đại học này cũng cho biết họ đã xây dựng lộ trình tăng học phí mới dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo lộ trình tăng học phí, mỗi năm sẽ tăng khoảng 10% học phí so với năm trước. Đáng chú ý, trong lộ trình của Đại học Công nghệ Thông tin, từ năm 2022 sang năm 2023, học phí trường sẽ tăng từ 30 triệu đồng lên 45 triệu đồng. Các năm sau đó, trường quay lại với mức tăng 10% so với năm trước. Đồng thời, các trường cũng dự kiến trích 8-10,8% học phí để hỗ trợ học bổng cho sinh viên.
Bình luận