Ở Sài Gòn, rất dễ để bắt gặp những xe cháo huyết, cháo lòng với mức giá bình dân 10.000 đồng - 20.000 đồng/ tô. Món ăn tưởng dễ nhưng cách chế biến lại vô cùng kỳ công. Gạo phải rang sơ qua cho thơm. Khi nấu phải canh lửa, không được quá đặc hay quá loãng. Cháo dọn ra phải luôn có đầy đủ hành phi, hành ngò và rắc thêm chút tiêu thơm lừng. Sài Gòn thường sáng nắng chiều mưa, thật lạ là cứ nhằm đúng lúc giờ tan tầm. Có lẽ đó là gợi ý để bạn tá túc vào một hàng cháo lòng, vừa trú mưa vừa thưởng thức tô cháo nóng hổi.
Một số quán cháo lòng nổi tiếng tại Sài Gòn:
- Cháo lòng Võ Thị Sáu: 150/44 Nguyễn Trãi, quận 1, TP. HCM
- Cháo lòng 26: 26 Rạch Bùng Binh, quận 3, TP. HCM
- Cháo lòng Vạn Kiếp: Đầu hẻm 106 Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TP. HCM
Nhắc đến món ăn Sài Gòn ngày mưa thì có lẽ nhiều người sẽ lựa chọn phá lấu đầu tiên. Đây là món ăn vặt được nhiều người yêu thích, từ giới trẻ cho đến người già. Giống cháo lòng, phá lấu là một món nhất thiết phải dùng khi nóng hổi. Vừa thổi phù phù vừa húp một chút nước dùng thơm lừng, thưởng thức từng miếng lòng bò chấm với mắm me chua chua cay cay. Thật hiếm ai có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của phá lấu vào những ngày trời mưa tầm tã.
Một số quán phá lấu nổi tiếng tại Sài Gòn:
- Phá lấu dì 3: 244D Trần Hưng Đạo, quận , TP. HCM
- Phá lấu bò Cây Trâm: 208 Cây Trâm, Q.Gò Vấp, TP. HCM
- Phá lấu bò cô Thảo: 243/29G Tôn Đản, Q.4, TP. HCM
Chẳng kể nắng hay mưa, súp cua vẫn là món ăn vặt được lựa chọn nhiều nhất. Thế nhưng, chẳng có gì thú hơn trong những chiều mưa, được ngồi quây quần với nhau, húp từng miếng súp cua ấm lòng. Món ăn Sài Gòn này được làm đơn giản lắm, chỉ là các loại nhân thịt gà, thịt ghẹ được xé nhỏ, bỏ thêm bột bắp cho sánh, rắc chút tiêu và ngò. Ấy thế mà khiến người ta cứ thích thú, nhớ mãi hương vị ấy. Súp cua Sài Gòn cũng có nhiều loại, “bình dân” thì khoảng 15.000 đồng/ ly còn “sang chảnh” thì có thể lên đến 40.000 đồng/ ly.
Một số quán súp cua nổi tiếng tại Sài Gòn:
- Súp cua Đỗ Quyên: 33 Hậu Giang, quận 6, TP. HCM
- Súp cua Hằng: C200/18 Xóm Chiếu, quận 4, TP. HCM
- Súp cua Hạnh: 549 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP. HCM
Trong bản đồ ăn vặt Sài Gòn, không thể không nhắc đến ốc. Đây không chỉ là món ăn vặt cho những buổi chiều mà đôi khi còn có thể thay thế bữa cơm trưa, cơm chiều. Và đặc biệt, dù chẳng phải là miền biển nhưng Sài Gòn vẫn có hàng chục loại ốc được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Ốc thì mùa nào ăn cũng ngon. Nhưng ngon nhất là vào những chiều mưa, khi vừa tan tầm thì nhấc máy gọi cho hội bạn và hẹn nhau ở hàng ốc. Cứ thế, ốc trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân nơi đây.
Một số quán ốc nổi tiếng tại Sài Gòn:
- Ốc 284: 284 Tôn Đản, quận 4, TP. HCM
- Ốc Như: 650/4/29D Điện Biên Phủ, quận 10, TP. HCM
- Ốc Táo: 184/10 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP. HCM
Bột chiên có nguồn gốc từ Trung Quốc và có mặt tại Sài Gòn vào những năm 90. Đây là món ăn vặt bình dị, rẻ tiền nhưng lại là cả bầu trời tuổi thơ đối với nhiều người. Bột được chiên trên chảo gang, đập thêm dăm ba trái trứng và ít hành lá. Sau đó sẽ được cắt thành từng miếng vừa ăn, dùng kèm dưa chua và mắm giấm. Những ngày trời mưa, ghé vào một xe đẩy ven đường và thưởng thức một đĩa bột chiên nóng hổi, còn đang bốc khói nghi ngút thì còn gì tuyệt bằng.
Một số quán bột chiên nổi tiếng tại Sài Gòn:
- Bột chiên Phùng Khắc Khoan: 63 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP. HCM
- Bột chiên bưu điện chợ Lớn: Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM
- Bột chiên Trần Bội Cơ: Đối diện 272 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM
Bình luận