Nữ sinh 17 tuổi giành giải nhất cuộc thi sửa chữa ôtô
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ bảy, 03/07/2021 17:13 (GMT +7)
Nữ sinh phá vỡ kỷ lục bảo dưỡng, tháo dỡ và lắp ráp xe khi thực hiện các thao tác trong 26 phút, nhanh hơn nửa phút so với kỷ lục trước đó.
Gu Huijing - nữ sinh 17 tuổi ở trường Kỹ thuật Nghề số 2 Thâm Quyến, Trung Quốc - mới đây đã vượt qua tất cả các thí sinh nam, để trở thành người chiến thắng trong cuộc thi sửa ôtô. Theo đó, vào hồi tháng 4, trong cuộc thi dành cho sinh viên trường nghề và giành giải ở tỉnh Quảng Đông - một lĩnh vực vốn chiếm ưu thế bởi nam giới, Gu là nữ sinh duy nhất tham dự.
Khi thực hiện các thao tác trong 26 phút, nhanh hơn nửa phút so với kỷ lục trước đó, Gu cũng là người đã phá vỡ kỷ lục bảo dưỡng, tháo dỡ và lắp ráp xe. Được biết, nữ sinh này có niềm đam mê sửa chữa các phương tiện, thích mùi xăng dầu, thích nghe tiếng động cơ. Nhưng đam mê này của cô bị gia đình phản đối.
Gu kể lại, sau khi cô tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019, muốn theo đuổi ngành công nghiệp ô tô, nhưng "Bố mẹ tôi nghĩ sửa ôtô chẳng có ích lợi gì với con gái. Họ muốn tôi học thứ gì đó nhẹ nhàng, dễ xin được việc", cô chia sẻ.
Ban đầu đến với ngành, nữ sinh này cũng cảm thấy bất tiện với dầu, mỡ vấy bẩn khắp nơi, nhưng nhờ tình yêu và đam mê với công việc cô đã dần dần vượt qua được cảm giác đó. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc thi, hàng ngày Gu dậy từ 6h và làm việc tới tối muộn. "Không ít người nghĩ sửa ôtô là nghề thuộc về nam giới, không phù hợp với nữ giới. Đó là một khuôn mẫu. Thực tế, phụ nữ có những lợi thế của riêng họ. Ví dụ, họ tập trung hơn vào những chi tiết. Tôi nghĩ không có giới hạn về giới nào trong công việc", Gu cho hay.
Hôm 1/7, trên Weibo thông tin về nữ sinh giành giải nhất trong cuộc thi sửa ôtô đã thu hút 200 triệu tương tác và hơn 22.000 bình luận. Trong đó có rất nhiều ý kiến kêu gọi nước này xóa bỏ những định kiến về giới trong công việc. Bởi theo những người này, kiểu công việc không đòi hỏi cơ bắp để giải quyết, thì cả nam giới và nữ giới đều cần cùng vạch xuất phát. Còn thành quả đạt được sẽ dựa trên việc ai sẵn sàng dành nhiều nỗ lực và hy sinh.
Giải thưởng của Gu cũng tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi về hệ thống giáo dục nghề của Trung Quốc. Bởi tại Trung Quốc, sau 9 năm học bắt buộc, học sinh phải trải qua kỳ thi để vào trường trung học, sau đó ba năm, các em sẽ thi vào đại học (gaokao). Do đó không ít người quan niệm, nếu làm không tốt bài thi zhongkao và trượt trung học bạn có thể trở thành lao động phổ thông giỏi sau khi học trường nghề.
Nhưng với phụ huynh, sự khác biệt giữa một lao động phổ thông giỏi và một nhân viên văn phòng xuất sắc là loại nước hoa họ dùng. "Một người dùng nước hoa đắt tiền trong khi người còn lại chỉ toàn mùi xăng dầu. Vậy bạn thích con bạn có mùi gì?", một người dùng Weibo bình luận về trường hợp của Gu.