4 bài học kinh doanh từ ông trùm LVMH
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ hai, 21/03/2022 14:31 (GMT +7)
Bernard Arnault - ông chủ của tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH đã vận hành doanh nghiệp của mình dựa vào 4 triết lý kinh doanh dưới đây.
Gần như mọi thương hiệu thời trang xa xỉ nhất thế giới đều thuộc LVMH và người tạo ra LVMH - ông trùm Bernard Arnault. Vậy Bernard đã làm gì để có thể tạo nên một cơ ngơi đồ sộ như hiện tại, hay đã quản lý những thương hiệu xa xỉ nhất thế giới bằng những nghệ thuật và triết lý kinh doanh nào nhằm tạo ra doanh thu hàng tỉ đô?
1. Đừng giới hạn nhà thiết kế
Rất nhiều chủ doanh nghiệp đã vận hành công ty thời trang của mình theo cách quân phiệt. Điều này ắt hẳn có lý do của chúng nhưng không thể phủ nhận một điều nó sẽ khiến cho sự sáng tạo của những NTK thời trang bị thui chột đáng kể.
Bernard hiểu rõ điều này. Ông đã trao rất nhiều tự do cho những người sáng tạo, miễn là nó đừng quá đà. Hình thức này giúp cho những Giám đốc sáng tạo có thể mạnh dạn thể hiện tính cách của mình, đưa ra quyết định và đối mặt với những sai lầm. Từ đó, các nhà mốt có thể tạo nên những đột phá không ai ngờ tới.
2. Không tốn quá nhiều tiền vào truyền thông
Nếu bạn để ý thì sẽ nhận ra rằng những thương hiệu đến từ LVMH không triển khai quá nhiều các hoạt động truyền thông. Mỗi khi có bất kì một BST mới nào, nhân viên sẽ đăng lên một vài thông tin tối thiểu lên các trang mạng xã hội. Nhưng dù chẳng tốn mớ tiền để làm truyền thông, thương hiệu vẫn bán hàng “đắt như tôm tươi”.
Lý giải cho điều này, Bernard cho biết rằng, ông muốn tập trung vào chất lượng của sản phẩm và đầu tư lâu dài vào sự phát triển bền vững của thương hiệu. Đó chính là Marketing. Nếu một sản phẩm có chất lượng đủ tốt, nó sẽ tự động nổi bật và tự khách hàng sẽ truyền miệng cho nhau.
3. Chất lượng tốt sẽ khiến sản phẩm tồn tại mãi mãi
Hãy lấy ví dụ thương hiệu Louis Vuitton. Nhà mốt này đã ra đời cách đây 160 năm, trải qua đủ thăng trầm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những mẫu túi của Louis Vuitton được thiết kế từ thập niên 90 vẫn còn được giới mộ điệu tung tăng đeo trên phố.
Tại sao vậy?
Có một giai thoại kể lại rằng trước khi đến tay người tiêu dùng, những thiết kế của Louis Vuitton sẽ được cho vào những chiếc máy “tra tấn”. Những thiết kế sẽ bị tàn phá trong 5 phút: Ném từ trên cao, quăng quật tứ phía. Chiếc túi chỉ có thể được coi là đạt chuẩn khi nó vượt qua bài kiểm tra này.
Không biết giai thoại trên có thật hay không nhưng khách hàng thượng lưu của Louis Vuitton thì thuộc lòng câu chuyện. Họ biết rằng bỏ tiền ra mua một chiếc Lúi Vuitton thì có thể dùng được mãi mãi và không cảm thấy tiếc tiền cho mỗi lần mua sắm.
4. Vận hành như một công ty khởi nghiệp
Louis Vuitton dù đã là công ty tỷ đô, sở hữu một đế chế thời trang hùng mạnh nhưng không bao giờ chấp nhận an phận, thỏa mãn với sự thành công vốn có. Hãng vận hành như thể một startup chuyên nghiệp, nghĩa là liên tục đổi mới công nghệ, cải tiến, thay đổi và thay đổi. Điều này giúp cho các nhân viên trong công ty cũng phải vận động không ngừng và lớn mạnh mỗi ngày.
Louis Vuitton được đặt tên theo tên người sáng lập ra hãng là Louis Vuitton. Đây là một thương hiệu thời trang xa xỉ, có trụ sở đặt tại Paris, Pháp. Louis Vuitton là một công ty con trực thuộc tập đoàn LVMH.
Nổi tiếng với những sản phẩm túi xách thời trang nhưng thực chất, vào cuối thế kỷ 19, Louis Vuitton được biết đến là một cửa hàng bán lẻ những chiếc rương. Ngày nay, Louis Vuitton sản xuất và cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm: Từ quần áo, túi xách, phụ kiện, trang sức… và tất cả của công ty sử dụng các chữ viết tắt LV theo kiểu monogram.
Thay vì phân phối sản phẩm trong các hệ thống bán lẻ, Louis Vuitton tự mở các showroom trên toàn thế giới. Điều này được tin tưởng sẽ giúp họ kiểm soát chất lượng và giá cả sản phẩm, tránh hàng giả, hàng nhái trà trộn vào các kênh phân phối. Dù vậy, thật mỉa mai, Louis Vuitton lại chính là thương hiệu thời trang bị làm giả nhiều nhất trong lịch sử, với chỉ hơn 1% sản phẩm mang logo Louis Vuitton là hàng chính hãng.
>>> Xem thêm thông tin về Thương hiệu Louis Vuitton.