4 sai lầm cần tránh khi thiết kế bếp nếu không muốn mỗi ngày dọn dẹp cả tiếng
- Thùy Linh
- Đăng lúc: Thứ năm, 25/11/2021 16:47 (GMT +7)
Mặt bàn bếp chịu nước kém, backsplash ốp gạch gồ ghề, vật liệu lát sàn quá nhiều khe hở là những sai lầm trong thiết kế bếp khiến bạn tốn công dọn dẹp.
Phòng tắm và phòng bếp là 2 khu vực chức năng trong nhà mà bạn cần dọn dẹp thường xuyên hơn cả. Đây là những nơi thường xuyên tiếp xúc với dung dịch vệ sinh, phòng bếp thì có thêm cả dầu mỡ và vụn thức ăn. Chính vì vậy, trong quá trình thiết kế phòng bếp, từ yếu tố vật liệu đến kiểu dáng nội thất cần được xem xét lựa chọn phù hợp để bạn đỡ tốn thời gian và công sức dọn dẹp.
Dưới đây là 4 sai lầm mà chúng ta có thể mắc phải khi thiết kế nội thất phòng bếp, hãy kiểm tra và loại bỏ những yếu tố này nhé!
» Xem thêm: 5 sai lầm khi lựa chọn, thiết kế phòng bếp
1. Mặt bàn bếp chịu nước kém
Mặt bàn bếp là khu vực các bà nội trợ chuẩn bị, sơ chế thực phẩm,... Nước trong quá trình dọn rửa hay nước từ thực phẩm thường xuyên vấy lên mặt bàn. Nếu khu vực này được ốp bằng vật liệu chịu nước kém thì sẽ dễ gây ẩm, mốc, về lâu dài có thể làm hỏng mặt bàn. Để tránh việc phải lau chùi liên tục khi nước vừa văng ra, hãy chọn loại mặt bàn bằng đá cẩm thạch hoặc thông dụng hơn là đá granite.
2. Khu vực backsplash ốp gạch gồ ghề
Những kiểu gạch, đá bề mặt thô ráp, gồ ghề tạo cảm giác tự nhiên, sinh động, thích hợp cho người yêu phong cách công nghiệp Industrial. Tuy nhiên, trong phòng bếp, bạn cần ưu tiên tính tiện dụng trước rồi mới đến tính thẩm mỹ. Backsplash là nơi tiếp xúc dầu mỡ, vụn thức ăn trong quá trình nấu nướng, cả xà phòng văng lên khi rửa,... Nếu bề mặt gồ ghề sẽ khiến vết bẩn đọng vào trong khe nhỏ, rất tốn công vệ sinh.
3. Vật liệu lát sàn có quá nhiều các khe hở
Như đã đề cập, không gian nấu nướng vốn nhiều dầu mỡ, vụn thức ăn,... nên sàn phòng bếp cũng là vị trí dễ bám bẩn không thua gì mặt bàn. Khi chọn vật liệu lát sàn, dù là sàn gạch, gỗ hay đá thì bạn nên ưu tiên loại có bề mặt nhẵn, nếu là gạch cần có kích thước lớn để hạn chế ron gạch (kẽ gạch), sàn gỗ cũng tương tự nhưng thêm yếu tố chống thấm nước. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm thời gian vệ sinh sàn hơn so với loại nhiều kẽ hở.
4. Các chi tiết phần cứng có kiểu dáng cầu kỳ
Các chi tiết phần cứng ở có thể kể đến trong phòng bếp như vòi rửa, tay nắm cửa tủ, ngăn kéo,... Những kiểu dáng cầu kỳ, nhiều chi tiết tỉ mỉ tuy đẹp nhưng lại rất khó vệ sinh. Khi tay bạn đang dính dầu mỡ, bạn chạm vào chúng và chắc chắn các khe nhỏ li ti cũng bám bẩn theo. Có thể mắt thường không nhìn thấy kỹ nhưng lâu dài sẽ là ổ phát sinh vi khuẩn. Vì vậy, hãy ưu tiên thiết kế đơn giản để dễ chùi rửa mỗi ngày nhé!