Một năm người Việt có bao nhiêu ngày Tết?
- Hồng Ngọc
- Đăng lúc: Thứ tư, 26/01/2022 11:40 (GMT +7)
Với niềm tin tín ngưỡng pha trộn nhiều nền văn hoá, người Việt một năm có rất nhiều ngày Tết.
Theo phong tục tập quán, người Việt cùng nhau đón nhiều ngày lễ Tết trong một năm. Mỗi ngày lễ Tết trong năm đều xuất phát từ nguồn gốc và sự tồn tại khác nhau. Do đó những ngày này cũng có những ý nghĩa và nét đặc trưng khác nhau.
1. Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Ta, Tết Cả, Tết cổ truyền) là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa người Việt Nam. Đây là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ với năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Chữ "Tết" là do chữ "Tiết" mà thành, "Nguyên" theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "Đán" là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán".
» Có thể bạn quan tâm: Những câu chúc Tết hay, ngắn gọn và ý nghĩa nhất năm 2022
Trong ngày Tết này, người dân thường bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày làm mới, ngày để mọi người hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc và gác lại điều không may mắn trong năm cũ.
Đây cũng là dịp mọi người quây quần, sum vầy để tình cảm thêm gắn bó hơn, tinh thần thoải mái và tươi vui hơn. Các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua.
2. Tết Nguyên Tiêu (Tết Thượng Nguyên)
Tết Nguyên Tiêu thường diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch) - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Ngày Tết này phần lớn được tổ chức tại chùa chiền vì rằm tháng Giêng còn gọi là ngày vía Phật Tổ.
"Nguyên" là thứ nhất, "tiêu" là đêm nên có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Ông bà ta có câu "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" cho thấy tầm quan trọng của ngày Tết Nguyên Tiêu trong văn hóa Việt Nam.
» Có thể bạn quan tâm: 6 loại bánh kẹo Tết ngoại nhập càng sát Tết nguyên đán 2022 càng được nhiều người tìm mua
Trong ngày này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán của từng địa phương mà mâm cỗ cúng cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, mâm cơm đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên với mong muốn cầu cho một năm bình an, nhiều tài lộc. Bên cạnh đó, ngày này còn tổ chức nhiều hoạt động lễ hội khác như thả đèn hoa đăng, múa lân,...
Với mâm cơm cúng gia tiên, nhiều gia đình có điều kiện cò làm một đàn lễ ngoài trời để cảm ơn trời đất, thần tiên, Phật thánh cũng như các vị anh hùng dân tộc. Còn kinh tế gia đình không cho phép thì gia chủ chỉ cần pha một ấm trà, vài chén rượu nhạt, hoa quả và mấy nén nhang với lòng thành.
3.Tết Hàn Thực
Hàng năm cứ đến ngày 3 tháng 3 Âm lịch, người dân Việt Nam lại tất bật chuẩn bị đĩa bánh trôi bánh chay để cúng Tết Hàn Thực. Tết này xuất phát từ một câu chuyện thời nhà Tấn ở Trung Quốc khi Tân Văn Công không may đốt rừng thiêu chết trung thần phò tá mình 19 năm trời Giới Tử Thôi. Để tưởng nhớ vị trung thần, vua Tấn ban lệnh từ 3/3 - 5/3 âm lịch hàng năm, người dân phải kiêng đốt lửa chỉ được ăn đồ ăn nguội.
Dù bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn Thực ở Việt Nam có ý nghĩa tâm linh khác, phong tục cúng cũng có nhiều thay đổi phù hợp với văn hóa người Việt. Người dân Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng diễn ra bình thường. Đặc biệt, ở Việt Nam không cúng để tưởng nhớ đến vị hiền sĩ Giới Tử Thôi mà Tết Hàn Thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
Người Việt ta cũng quen gọi là Tết bánh trôi, bánh chay nhiều hơn Tết Hàn Thực. Việc dùng hai loại bánh này để cúng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là kết tinh của văn hóa Việt, thấm đẫm linh hồn và bản sắc dân tộc. Bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, là thành quả lao động vất vả dâng lên ông bà tổ tiên.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, bên trong nhân đường. Đường làm bánh trôi là miếng đường vuông thành sắc cạnh đỏ thắm, đanh giòn với hương thơm ngát. Còn bánh chay được làm bằng bột nếp cái hoa vàng, nhưng bên trong nhân lại làm bằng đậu xanh nấu chín. Bánh đựng trong bát, chan thêm chút chè đường quấy với bột sắn dây ướp hoa bưởi.
4. Tết Thanh Minh
Tết Thanh Minh nằm trong tiết Thanh Minh, 1 trong 24 tiết khí theo thiên văn phương Đông. Tuy không phải cái Tết lớn nhưng ngày này lại gắn liền với đạo đức và bổn phận của người dân Việt Nam tưởng nhớ đến công lao của tổ tiên, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành tạo dựng của ông cha.
Với ý nghĩa cội nguồn, Tết Thanh Minh nhắc chúng ta không quên hướng về quê cha đất tổ. Ngày này được người dân nhiều nơi kết hợp với Tết Hàn Thực tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời chứ không theo lịch mặt trăng, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư Dương lịch. Vào ngày Thanh Minh, người dân có tục tảo mộ, làm cỏ các phần mộ, sửa sang, thắp hương để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.
5. Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ hay dân gian quen gọi là tết diệt sâu bọ rơi vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Theo truyền thuyết kể lại, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho người dân mỗi nhà lập một đàn cúng gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục.
» Có thể bạn quan tâm: Điều phải kiêng kỵ và điều nên làm trong ngày Tết Đoan Ngọ
Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ té ngã rã rượi. Lão ông còn căn dặn, sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
6. Tết Trung Nguyên
Tết Trung Nguyên còn gọi là Tết rằm tháng bảy, Tết Vu lan. Theo truyền thống từ xa xưa của cha ông ta, thì tháng 7 âm lịch trong năm là một tháng vô cùng quan trọng. Đó là tháng để con cháu tỏ lòng hiếu thảo, thành kính với ông bà tổ tiên, những người đã khuất.
Vào ngày này các Phật tử cũng như nhiều người ngoài Phật giáo sẽ bắt đầu tưởng nhớ tới tổ tiên bằng việc ăn chay niệm phật, làm việc phúc đức. Ngoài việc cúng bái ông bà tổ tiên tức là làm lễ gia tiên, các gia đình còn chuẩn bị một mâm cỗ chay để cúng chúng sinh là những vong linh không nơi lương tựa.
7. Tết Trung Thu
Tại Việt Nam, Tết Trung Thu hay còn gọi là ngày Tết thiếu nhi, được tổ chức vào ngày rằm tháng Tám âm lịch hàng năm. Ngày này đánh dấu thời điểm trăng tròn và sáng nhất vào mỗi tháng 8 âm lịch. Tết Trung Thu mang trong mình những ý nghĩa riêng, là dịp lễ hướng về sự đoàn viên, sum vầy. Đồng thời cũng là dịp để trẻ em thỏa thích dạo chơi, rước đèn bên mâm cỗ dưới ánh trăng sáng được gọi là phá cỗ.
Vào ngày rằm tháng 8, người ta thường tặng nhau những chiếc bánh trung thu với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn. Có hai loại bánh đặc trăng trong ngày Trung Thu là bánh dẻo và bánh nướng. Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh với nhân đậu xanh hoặc hạt sen tán nhuyễn. Còn bánh nướng bỏ bên ngoài làm bằng bột mì, nhân bên trong thập cẩm các loại như xá xíu, mứt bí, dăm bông...
8. Tết Táo Quân
Tết Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày vua bếp lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua. Theo truyền thuyết, xưa có hai vợ chồng lấy nhau lâu nhưng mãi không có con khiến tình cảm nhạt phai. Một hôm, trong lúc cãi nhau người chồng đã đuổi người vợ ra khỏi nhà. Sau đó, người vợ gặp được một người đàn ông khác, hai người phải lòng nhau và đã quyết định nên vợ nên chồng. Người chồng cũ ân hận nên đã đi tìm vợ khắp nơi, đến lúc hết tiền bạc đành phải đi ăn xin.
Một hôm, đang đốt vàng mã ngoài sân, thấy một người vào ăn xin, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, lao vào bếp lửa tự vẫn. Thấy thế, người chồng cũ nặng tình cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận cũng nhảy vào lửa. Trời thấy ba người đều có nghĩa nên phong cho họ làm vua bếp. Từ tích đó mới có tục thờ cúng Táo quân và trong dân gian có câu: "Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà".
Cứ đến ngày này, mỗi gia đình thường mua hai mũ ông, một mũ bà bằng giấy và 3 con cá làm ngựa (cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và 3 con cá chép được mang thả ở ao, hồ, sông. Ngoài vàng mã, gia chủ còn chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ gồm món mặn, món ngọt để cúng Tết Táo Quân.